Ngày 19/9, tại Mỹ, thực hiện Chương trình Đối ngoại quốc phòng năm 2023, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tiến sĩ Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng chủ trì Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Mỹ năm 2023.

Hai bên đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm, chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhắc lại quan điểm nhất quán của Việt Nam là kiên trì giải quyết mọi vấn đề bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

W-biendong-10.png
Ảnh minh hoạ

Sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - "Hiến pháp về biển và đại dương" - là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Trong 40 năm qua, Công ước luôn đóng vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động quản lý và sử dụng biển và đại dương.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu và các nguyên tắc của Công ước, nghiêm túc tuân thủ và thực thi Công ước, kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến cho các hoạt động trong khuôn khổ các thiết chế được thành lập theo Công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với Công ước; thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển trên cơ sở quy định của Công ước và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2015.

Hoài Linh và nhóm PV, BTV