Ngày 21/7, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
"Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được nêu trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao vào ngày 23/6/2022.
Một lần nữa, chúng tôi kiên quyết phản đối hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Trong cuộc họp báo ngày 23/6, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định động thái của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Trong một thông báo mới được đăng trên website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) nói rằng cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ ngày 5-6/7, không lâu sau khi Trung Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tập trận ở vùng biển này.
Kết quả đối chiếu những tọa độ giới hạn của cuộc tập trận trên lên Google Maps cho thấy khu vực tập trận dường như nằm ở vùng biển gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nói rõ quy mô tập trận, chỉ nói tàu thuyền bị cấm vào khu vực liên quan.
Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoặc lên kế hoạch khoảng 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 9 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post. Trong đó còn một cuộc tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 19/6.
Văn Thường, Kim Chi, Anh Dũng, Diệu Thúy