Ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ của Qualcomm cho hay, chúng ta đang sống trong thời đại 4G LTE và sắp tới sẽ còn nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Việt Nam đã phủ sóng LTE trên phạm vi toàn quốc, điều đó góp phần tăng cường nhu cầu cũng như mức độ sử dụng dữ liệu. Khi nhu cầu và mức độ sử dụng dữ liệu tăng trưởng đến một mức độ nhất định, sẽ xuất hiện nhu cầu mới về băng thông, đó là lý do chúng ta sẽ có 5G.
Ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch Kỹ thuật của Qualcomm cho rằng, công nghệ không dây đã phổ biến ở tất cả mọi nơi, do đó công nghệ điện toán không dây cũng trở nên phổ biến. Việt Nam có dân số xấp xỉ 100 triệu người, mỗi người hiện có thể sở hữu 2 thiết bị không dây. Trong vòng 5 năm tới, mỗi người có thể không chỉ sở hữu 2 thiết bị mà có thể lên đến 10 thiết bị được kết nối. Theo dự báo, sẽ có hàng tỷ thiết bị được kết nối trong tương lai. Với dân số Việt Nam, số lượng thiết bị được kết nối cũng sẽ rất lớn. Cuộc sống con người trong tương lai sẽ phụ thuộc vào thiết bị cũng như kết nối. Tất cả các thiết bị theo dõi sức khỏe, đo nhịp tim hay xe hơi, các thiết bị truyền thông trọng yếu đều phải có kết nối đáng tin cậy để đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của thông tin. Do đó, các thiết bị sản xuất tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng, vì chúng ta có thể làm chủ hoàn toàn về các yếu tố riêng tư, bảo mật, độ tin cậy cũng như chất lượng của kết nối.
"Khi Qualcomm cấp phép sử dụng một công nghệ nào đó, Qualcomm cũng có trách nhiệm chuyển giao công nghệ và đào tạo để đối tác có thể làm chủ công nghệ. Qua đó, sản xuất được những thiết bị có liên quan đến sinh mạng của con người. Qualcomm đang hợp tác với nhiều đối tác và nhà sản xuất trong nước như VNPT, Viettel, BKAV. Qualcomm rất vui mừng được thấy sản phẩm của BKAV được đưa ra thị trường. Qualcomm giúp họ làm chủ công nghệ cũng như đưa ra sản phẩm cho thị trường trong nước, dựa trên công nghệ của Qualcomm", ông Sudeepto Roy nói.
Bình luận về thông tin của Cục Tần số rằng đến năm 2019 Việt Nam sẽ bắt đầu quy hoạch băng tần cho 5G, ông Jim Cathey nhận định rằng, không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch. Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai. Triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc thực thi trong thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, không chỉ cho thị trường trong nước, mà có thể tạo ra những mô hình có khả năng nhân rộng ra nước ngoài.
Bình luận thêm về vấn đề này, ông Sudeepto Roy cho rằng 5G mang lại nhiều lợi ích hơn là tốc độ cao. Với một quốc gia đang công nghiệp hóa và có ngành công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, kết nối thiết bị bằng công nghệ không dây là một yêu cầu rất quan trọng. Khi được triển khai, 5G sẽ là một giải pháp “thần kỳ” đáp ứng được nhu cầu kết nối một số lượng lớn thiết bị trong nhiều ngành kinh tế xã hội khác nhau, không chỉ gói gọn trong dịch vụ thoại hay dữ liệu thông thường. Chúng ta đang sử dụng 4G LTE. Nếu 4G LTE được củng cố và phát triển thật tốt, đó sẽ là tiền để để phát triển 5G trong tương lai.
Theo ông Sudeepto Roy, các tính năng 5G mới nhất sẽ được trải nghiệm trên các điện thoại tiên tiến nhất, tương tự 4G ở thời điểm cuối năm 2009, đầu năm 2010. Công nghệ 5G chỉ có trên những sản phẩm cao cấp nhất, do đó chỉ một số ít người có khả năng chi trả có thể trải nghiệm dịch vụ 5G. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Qualcomm, việc phổ biến công nghệ 5G từ những phân khúc khách hàng cao cấp xuống các phân khúc thấp hơn sẽ ngắn hơn nhiều so với phổ biến công nghệ 4G. Lý do là tại các quốc gia phát triển và đang phát triển - Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất - đều đã có dự kiến, kế hoạch phân bổ tần số. Không như công nghệ 4G lan tỏa dần từ Hoa Kỳ, đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và phần còn lại của thế giới, khoảng năm 2019 - 2020, 5G sẽ phát triển đồng đều, chứ không tuần tự từ nước này sang nước khác như 4G.
"Với việc triển khai 5G rộng rãi trong thời gian 2019-2020, nếu Việt Nam chuẩn bị tần số từ 2019 không phải là muộn. Khi có thông tin về tần số, các nhà sản xuất thiết bị sẽ biết sản xuất thiết bị ở băng tần nào, các nhà mạng biết sẽ triển khai mạng lõi, dùng băng tần ra sao. 2019 là thời gian phù hợp, tuy nhiên không nên muộn hơn", ông Sudeepto Roy nói.
Bà Julie Welch, Phó Chủ tịch khối Quan hệ chính phủ, Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương phát biểu rằng, những hoạt động chuẩn bị cho 5G trên thực tế diễn ra khắp nơi trên thế giới, ở tầm quốc tế là Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), ở tầm khu vực là Liên minh Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT). Việt Nam tham gia rất tích cực trong quá trình này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế qua việc hài hòa hóa tần số. Trong năm 2019, ITU sẽ đưa ra quyết định phân bổ băng tần cho 5G. Hiện nay, ITU chưa có quyết định cuối cùng, nhưng một số quốc gia đã có kết luận về băng tần 5G cho riêng họ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Quy hoạch tần số là một vấn đề dài hạn, do đó, thời điểm hiện nay, trao đổi về tần số cho 5G là một việc thực tế và quan trọng.