Diễn tập an ninh mạng chủ đề "Điều tra và xử lý website bị tấn công". (Ảnh: Bkav) |
Dịch Covid-19 thúc đẩy các công ty chuyển nhiều công việc lên mạng hơn. Tuy nhiên, họ vẫn cần thêm hàng triệu chuyên gia bảo mật để bảo vệ tài sản quan trọng. Theo khảo sát mới của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC2), dù lực lượng nhân sự an ninh mạng thế giới tăng 25% trong năm nay đạt 3,5 triệu người, vẫn còn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật nữa.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thiếu hụt trầm trọng nhất khi cần tới khoảng 2 triệu chuyên gia. Báo cáo chỉ ra Nhật Bản còn thiếu 92.000 người làm trong lĩnh vực này.
Đối với nhân sự an toàn thông tin (ATTT), xu hướng chuyển dịch đột ngột sang làm trực tuyến trở thành thách thức độc nhất vô nhị. Gần 1/3 người tham gia khảo sát cho biết họ chỉ được thông báo 1 ngày hoặc ít hơn trước khi hỗ trợ công ty chuyển sang làm việc qua mạng mà vẫn phải đảm bảo mạng máy tính bảo mật trước các cuộc tấn công mạng. Bất chấp tình thế gấp rút, chỉ có 18% chứng kiến sự cố bảo mật gia tăng.
Theo các chuyên gia bảo mật, tội phạm mạng đang tìm cách khai thác người dùng Internet làm việc tại nhà, mua sắm hay sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Chính phủ cũng liên tục cảnh báo nguy cơ tội phạm mạng lợi dụng tình trạng lộn xộn do dịch bệnh gây ra. Vào tháng 4, quan chức Mỹ và Anh phát đi cảnh báo chung về nguy cơ mã độc và lừa đảo (phishing).
Khảo sát cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư ít hơn vào các chuyên gia bảo mật. Nhiều người lo sợ việc thiếu hụt nhân viên sẽ đặt tổ chức của họ vào rủi ro. Ngoài ra, khảo sát còn tiết lộ những người sinh từ năm 1981 đến 1996 đang thống trị lực lượng nhân sự an ninh mạng.
Tại Việt Nam, để giải quyết vấn đề nhân lực ATTT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đào tạo. Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục Trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết ngay từ năm 2014, hai Bộ đã phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn an ninh thông tin theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đã triển khai đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn, cả trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, cán bộ chuyên trách ATTT không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp. Đối với khối trường đại học, Đề án đã ưu tiên hỗ trợ đào tạo sinh viên ngành ATTT trong trường đại học, hỗ trợ cơ sở vật chất – học liệu cho những trường trọng điểm đào tạo ATTT, hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy ATTT các trường học lên cao cũng như đi du học ở các nước tiên tiến.
Bộ GD&ĐT đã áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ Đại học, bao gồm cả ngành ATTT (Văn bản số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017). Theo đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực CNTT-ATTT, thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống tạo điều kiện phát triển nhân lực CNTT - ATTT (thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống về chỉ tiêu tuyển sinh, về giảng viên, về thực tập, công nhận tín chỉ, chuyển trường chuyển ngành, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp).
Trong giai đoạn đến năm 2020, chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kết quả triển khai các chương trình, đề án của giai đoạn vừa qua. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế mới phù hợp với yêu cầu mới. Ông Tô Hồng Nam tin tưởng với kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn vừa qua, với quyết tâm của cả hệ thống, Việt Nam sẽ không lo thiếu nhân lực về ATTT trong thời gian tới.
Du Lam
Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về sử dụng chữ ký số
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước.