“Chúng ta cũng cần trao đổi với các quốc gia láng giềng, để cùng hợp tác, bảo vệ nguồn nước chung” – GS Chung Hoàng Chương.

LTS: Dưới đây là phần 2 bài phỏng vấn GS. Chung Hoàng Chương* về tình hình biển đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những hệ quả bắt đầu cảm nhận được từ đầu 2016 và những cách tiếp cận chính sách lẫn chiến lược để đối phó.

Xem lại Phần 1: Sài Gòn ngập lụt, ĐBSCL "đói" nước

Trong ngắn hạn, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thưa Giáo sư?

Tôi cho rằng cần phải phổ cập chương trình quản lý nước đến người nông dân. Ví dụ, sử dụng nước mưa, cũng như tái sử dụng những cái loại nước sinh hoạt như thế nào. Những chương trình này đã có mô hình. Địa phương chỉ cần quảng bá đến người dân.  

Bên cạnh đó, cần sử dụng truyền thông để quảng bá, mời chuyên gia đến nói chuyện cùng người dân, tạo nhiều cơ hội để người dân quen với việc nói chuyện với chuyên gia. Khi anh Ba hàng xóm lên truyền hình hay chị Năm xóm trên đặt câu hỏi với chuyên gia, thì nghĩa là không còn rào cản giữa chuyên gia và người dân.

Bên cạnh đó, cần có những sự liên thông giữa xã này qua xã nọ, huyện này qua huyện nọ để họ phụ lực với mình. Nhiều khi, con sông chạy qua cái huyện Giồng Trôm, hay Chợ Lách thì bị xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân sống ở Ba Tri ở hạ lưu. Vì vậy, cần những cầu nối thông tin liên huyện để hạn chế những việc này, cũng như tạo nên kết nối vùng tốt hơn.

Vậy còn trong dài hạn, chúng ta nên chuẩn bị gì?

Chính sách cần phải được cập nhật và phải được đánh giá ngay tại chỗ. Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ, lãnh đạo, xúc tiến chương trình dự trữ nước, chương trình giữ nước sạch, chương trình để giáo dục người dân.

Đầu tiêu là việc tái quy hoạch các trung tâm nghiên cứu BĐKH tại ĐBSCL. Đơn cử, trung tâm nghiên cứu về BĐKH ở ĐBSCL cần được thiết lập ở địa phương, như tại Trường Đại học Cần Thơ chẳng hạn. Đây sẽ là trung tâm có thể giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, cũng như hỗ trợ cho các tỉnh lận cận đang phải đối mặt với các hệ quả của BĐKH như Bến Tre. Đây cũng sẽ là cơ sở để các chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kinh nghiệm về chống BĐKH hoặc quản lý nguồn nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải học hỏi các mô hình của các quốc gia, tổ chức nước ngoài. Đơn cử như Tổ chức Hợp tác về nước toàn cầu (Global Water Parneship). Đây là nơi chia sẻ những số liệu, những mô hình, những phương pháp mà theo đó có thể giúp các quốc gia ứng phó với BĐKH. Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, cần tận dụng mạng lưới này.

Chúng ta cũng cần trao đổi với các quốc gia láng giềng, để cùng hợp tác, bảo vệ nguồn nước chung.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần đánh giá lại hệ thống quản lý nước hiện tại. Có bao nhiêu con đập, bao nhiêu hồ chứa? Tình trạng hiện tại của các hệ thống quản lý nước này như thế nào để gia cố lại. Có cần thêm ống bơm, ống thoát nước không? Để thoát ra sông thì phải có điều kiện gì để tránh xả nước thải bừa bãi? 

Sau đó, chúng ta cần tái quy hoạch hệ thống kênh rạch, đánh giá lại để thiết kế đưa chúng quay về gần như thiên nhiên như hồi xưa. Chúng ta có thể chụp ảnh để tạo bản đồ ĐBSCL hiện tại rồi so sánh với bản đồ ngày xưa. Bên cạnh đó, hoạt động này cần gắn với người dân, bởi lẽ nhiều người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm quý báu về nông nghiệp tại vùng đất này.

{keywords}
Miền Tây khát lũ, lượng cá linh cũng suy giảm. Ảnh: Tuổi trẻ

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy của người dân về bảo vệ nguồn nước. Tôi đề xuất mô hình giáo dục hai thế hệ. Đầu tiên là phổ cập ngắn cho bậc cha mẹ, tức là những người đang làm nông. Cần thay đổi tư duy về canh tác nông nghiệp. Phát triển vụ lúa cho giá trị tốt nên được triển khai, thay vì nhiều vụ lúa vừa có giá trị không cao, lại gây ảnh hưởng đến đất và nước.

Hoặc, cán bộ có thể hướng người dân đến trồng các loại cây, rau thuốc nam, vốn đang được các hãng dược trên thế giới tìm kiếm. Theo quan sát cá nhân, tôi thấy có nhiều hãng dược đến tìm hiểu các phương thuốc, nguyên liệu thuốc cổ truyền.

Hơn thế nữa, giáo dục về môi trường nên được mang vào trong nhà trường. Chúng ta có thể phát triển những giáo trình nhỏ thêm vào chương trình học để các em hiểu được sự quý báu của nguồn nước xung quanh. Đây sẽ là nền tảng để các em trở thành tuyên truyền viên cho công tác giữ gìn nguồn nước.

Giáo sư luôn đánh giá cao vai trò của truyền thông trong các ý kiến của mình. Vậy, truyền thông nằm ở đâu trong những đề xuất này?

Tôi cho rằng truyền thông và giáo dục phải đi liền với nhau. Truyền thông phải quảng bá được những tin tức mới nhanh chóng, kịp thời và sát với thực tế. Chúng ta có thể bắt đầu chia sẻ về việc áp dụng những dụng cụ đo lường rất thô sơ nhưng hiệu quả trong nuôi trồng. Các chương trình truyền hình nên giới thiệu các dụng cụ nhỏ để nhận biết độ mặn của đất.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên đăng tải số liệu từ các trạm thủy văn lên mạng. Đơn cử, để phổ biến, cán bộ có thể làm phim nhỏ để đăng lên Youtube. Trong đó, ngoài các số liệu, sẽ có những hướng dẫn giống như một cái bài học ngắn gọn khoảng 3 - 5 phút, ví dụ đất bị như thế này thì dùng cái này, tôm bị như thế kia thì phải xử lý thế kia.

Khi người dân gọi điện, trừ sự cố kỹ thuật cao, cán bộ chỉ cần hướng dẫn họ lên mạng tìm kênh Youtube để có câu trả lời dễ dàng, thay vì theo theo quy trình truyền thống, tức là đợi cán bộ xuống thăm thì hơi lâu và cũng không đủ nhân lực.

Quay lại vấn đề thiếu nguồn nước do hệ thống đập thủy điện từ các nước láng giềng. Giáo sư cho rằng Việt Nam cần có động thái gì để bảo vệ nguồn nước tại hạ lưu sông Mê Kông?

Chúng ta cần phải đàm phán, trao đổi với các quốc gia, đặc biệt là Lào và Campuchia. Bởi lẽ, hệ thống đập thủy điện này cũng ảnh hưởng đến BĐKH có thể tác động ngược lại các quốc gia này. Chúng ta có thể hướng họ đến mô hình hợp tác sông Nile giữa Ethiopia, Sudan và Ai Cập.

Sông Nile là nơi giải quyết 95% nhu cầu nước của Ai Cập. Chính vì vậy, khi Ethiopia mong muốn xây dựng đập thủy điện trên dòng Nile xanh đã gây nên phản ứng của Ai Cập. Cuối cùng, qua quá trình đàm phán, các bên đã nắm tay nhau để tạo ra cái hiệp định về nước.

Đây sẽ là tiền lệ quý giá để các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông có thể học tập và cùng hợp tác. Chắc chắn, chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi các nước trên cũng có những chiến lược để phát triển quốc gia. Tuy vậy, chúng ta cần phải nỗ lực để đạt được những thỏa thuận cần thiết, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước trực tiếp của hơn 21 triệu người dân đang sinh sống tại ĐBSCL.

Thụy Điển – Bữu Phan (thực hiện)

*GS. Chương nguyên là giáo sư đại học Tiểu bang California (Mỹ), hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về dòng sông Mê Không, thực hiện nhiều chuyến đi thực địa tại các địa phương dọc dòng sông, bắt đầu từ thượng nguồn Trung Quốc.