Chiều 17/10, trước những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam bình luận về những động thái gần đây.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết: "Việt Nam quan tâm đến tình hình gần đây trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi mong muốn các bên kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng và kiên trì đối thoại, có tính đến quan tâm và lợi ích của nhau cũng như lợi ích chung của khu vực và quốc tế, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, khu vực và thế giới".
Ngày 17/10, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Quốc hội nước này đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp, qua đó xác định rõ ràng Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".
Bình Nhưỡng coi việc cho nổ một số tuyến đường bộ nối liền bán đảo Triều Tiên là hành động phù hợp với hiến pháp, thể hiện nỗ lực "tách biệt hoàn toàn lãnh thổ" với Hàn Quốc. Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt giữa hai miền cũng đã bị chặn hoàn toàn.
Về phía Hàn Quốc, Seoul đã lên án mạnh mẽ động thái của Bình Nhưỡng. Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố rằng chính phủ nước này có thể kiện Triều Tiên.
Khuyến cáo công dân tại Trung Đông chủ động tìm nơi trú ẩn
Về công tác bảo hộ công dân trước xung đột giữa Iran và Israel, người phát ngôn cho biết, theo thông tin mới nhất từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn đang an toàn.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực đã liên tục cập nhật thông tin tình hình mới cho người dân và đưa ra cảnh báo bà con phải theo dõi sát tình hình và chú ý đi lại, chủ động di chuyển đến các ga tàu điện ngầm để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.
Người phát ngôn thông tin, có hơn 700 công dân Việt Nam tại Israel, 13 công dân Việt Nam tại Lebanon và 8 công dân Việt Nam tại Iran.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối trong cộng đồng để cập nhật tình hình, chủ động, thường xuyên thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đang xảy ra xung đột. Ngoài ra, lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.
Về hai công dân mất tích khi đi câu cá ở Nhật Bản, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết vừa nhận được thông tin về vụ việc.
Tối 12/10, 4 công dân Việt Nam trong khi câu cá ở biển TP Kamisu thuộc tỉnh Ibaraki (tỉnh miền Đông của Nhật Bản) đã bị sóng cuốn trôi.
Các lực lượng chức năng Nhật Bản đã tìm thấy 2 người trong tình trạng sức khỏe ổn định và đang nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích còn lại.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu vụ việc và phối hợp xác minh nhân thân, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.
Theo cảnh sát TP Kamisu, hoạt động tìm kiếm sẽ được tiến hành trong vòng một tuần, huy động hai máy bay trực thăng, một tàu của cảnh sát biển địa phương và hàng chục nhân viên thuộc lực lượng cứu hộ.