Sự lạc quan trong Báo cáo Việt Nam 2035 hướng tới Thịnh vượng mới đây của WB đã nhắc chúng ta nhớ lại nhưng dự báo VN sẽ là con hổ của thế giới trong 15-20 năm tới. Tuy nhiên, nhìn lại một giai đoạn cho thấy, để đi đến viễn cảnh phải thực thi cải cách một cách mạnh mẽ hơn.
Những điểm nghẽn
Tại VDPF mới đây, các báo cáo đã chỉ ra điểm yếu của Việt Nam là tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ tăng năng suất lao động của VN giảm từ 5,3% năm 2006 xuống còn 3,3% năm 2013.
Bà Victoria Kwakwa–Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại VN cũng nhận định rằng, mức tăng năng suất của VN chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm. Với mức tăng năng suất hiện nay thì VN không đủ sức để đi theo quỹ đạo phát triển như các nước.
Có thể lấy ví dụ cho việc này là các DNNN vốn nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần rất lớn từ tín dụng… nhưng nhiều DNNN hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.
VN có nhiều điểm sáng thể hiện sự phục hồi, song nhìn tổng thể, tăng trưởng GDP của VN thấp hơn mức bình quân các nước ASEAN. |
Trong khi đó, ông Jonathana Dunn–Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nhận định, xuất khẩu của các DN trong nước vẫn dưới mức mong đợi, thâm hụt ngân sách và nợ công đang tăng lên do thu ngân sách đã giảm đáng kể trong khi chi thường xuyên tăng lên, cải cách cơ cấu còn khiêm tốn do những trở ngại về pháp lý, tiến độ cổ phần hóa còn chậm…
Một kết quả nghiên cứu khác gần đây của CIEM cũng chỉ ra rằng, mặc dù kinh tế VN có nhiều điểm sáng thể hiện sự phục hồi, song nhìn tổng thể, tăng trưởng GDP của VN thấp hơn mức bình quân các nước ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nếu phân tích các chỉ số từ nguồn số liệu thống kê của các chỉ số phát triển Thế giới (WDI), thì tăng trưởng GDP của Việt Nam gần như là thấp nhất trong khu vực liên tục trong các năm từ 2007 trở lại đây.
Trong khi đó, VN đang đối mặt với tình trạng nợ công tăng cao. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ công trên GDP đã tăng từ 51,7% năm 2010 lên 54,2% năm 2013, dự kiến năm 2015 tăng lên 61,3%; gần đến ngưỡng nợ công 65,0% đã được Quốc hội phê duyệt trong Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08 tháng 11 năm 2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Bên cạnh đó, từ 1/7/2017, VN phải đối mặt với việc trả nợ các khoản vay IDA (nguồn vốn vay chính thức từ WB). Theo đó, Việt Nam phải tăng tốc độ trả nợ vốn vay, con số lên hàng chục tỷ USD. Để giải quyết nợ này, VN phải tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế, có khung kinh tế vĩ mô nhất quán, bền vững từ đó tăng mức độ tín nhiệm lên.
Trước đó, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam "tốt nghiệp" IDA, con số lên tới 16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng VN dù đã đi qua bước đầu nhưng để có được một hệ thống thực sự mạnh mẽ thì sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới để xử lý tiếp các vấn đề đầy thách thức.
Chính vì thế, Tại Diễn đàn Đối tác phát triển 2015 (VDPF), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất, cải cách khu vực tài chính là ưu tiên hàng đầu cho VN thời điểm hiện tại nếu muốn đạt được mục tiêu tăng hiệu quả cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với tất cả những khó khăn cải cách NH vừa trải qua và thách thức khu vực tài chính hiện tại thì điều đó là không dễ nếu không có một kế hoạch và bàn tay thực thi mãnh mẽ. Và để thực thi điều đó, cần một chiếc lược đủ sức thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn cũng như ứng phó với bối cảnh biến động kinh tế khó lường.
Cam kết và thực thi
Báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” được thực hiện bởi Chính phủ VN và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh: lựa chọn duy nhất của VN là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng, hoà nhập xã hội, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Báo cáo cho rằng, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột nêu trên. Không thực hiện những cải cách đó, VN không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi.
Còn tại VDPF 2015, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất cải cách khu vực tài chính là ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam thời điểm hiện tại nếu muốn đạt được mục tiêu tăng hiệu quả cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện, bền vững trong thời gian tới. “Tiến hành cải cách nhanh hơn, chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và các DNNN, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo công ăn việc làm, tạo những cơ hội cho lực lượng lao động đầy nhiệt huyết và đang tăng nhanh của Việt Nam”, chuyên gia IMF kết luận.
Trong chuyến thăm mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank), Jim Yong Kim đã đánh giá cao những cải cách của hệ thống ngân hàng với những dấu ấn lãnh đạo trong việc ban hành những chính sách điều hành vĩ mô và tái cơ cấu. Một yếu tố quan trọng, quyết định đối với những cải cách trong ngành Ngân hàng.
Đồng quan điểm này bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN Victoria Kwakwa nhận định, nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế, không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt chính sách tỷ giá của NHNN đã đi đúng hướng.
Bà Natasha Ansell – Tổng Giám Đốc Citibank Việt Nam cho rằng, trong 4 năm qua chúng tôi đã chứng kiến và rất ấn tượng với sự minh bạch, nhất quán. Đồng thời cũng ấn tượng với thành tựu mà lãnh đạo ngân hàng đạt được trong việc điều hành chính sách tiền tệ tại VN.
Ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc thực hiện thành công các giải pháp điều hành tiền tệ góp phần hỗ trợ nền kinh tế đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với nền kinh tế tronh nước. Đây là những tiền đề quan trọng cho những thành công trong tương lai.
Ngọc Quyết