Chia sẻ tại sự kiện công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức ngày 17/9, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Chương trình nhận xét, với lợi thế nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của ngành CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ mới. “Quá trình thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và đánh giá của Hội đồng Chung tuyển cho thấy, các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào “cuộc chơi 4.0”, kiến tạo một hình ảnh mới cho nền CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới …”, TS. Mai Liêm Trực cho hay.

Cũng trong chia sẻ tại sự kiện này, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cho biết, trong phát biểu tại FPT Techday 2018 mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra vấn đề FPT cần phải có những ước mơ lớn hơn nữa để có thể tái sinh, phụng sự Tổ quốc. “Tôi cho rằng vấn đề này được Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt ra rất đúng thời điểm và đúng với tất cả các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam”, ông Bình nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt ra câu hỏi “CNTT Việt Nam đang ở đâu, chúng ta từng có ước mơ gì và ước mơ mới của chúng ta sẽ lớn hơn thế nào?”, ông Bình tự lý giải: trong 20 năm qua, với nỗ lực của cộng đồng CNTT, của các công ty phần mềm và dịch vụ CNTT, chúng ta đã đạt được một ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ CNTT thế giới. Vị Chủ tịch VINASA nêu: “Nếu 20 năm trước không ai biết Việt Nam, đến nay CNTT Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến. Và nếu như các nước Âu Mỹ quan tâm nhiều đến Ấn Độ, thì hiện Nhật Bản quan tâm nhiều đến Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều năm qua, Việt Nam đã được Nhật Bản chọn là điểm đến mong ước của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng ta cũng đã có được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng”.

Đề cập đến ước mơ lớn hơn của ngành CNTT Việt Nam trong chặng đường tới, ông Bình nhấn mạnh: “Vào thời điểm này, cuộc CMCN 4.0 đang phát triển như vũ bão vừa là thách thức cũng là cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói đến Việt Nam là một cường quốc công nghệ. Trong các giai đoạn tiếp theo, tôi nghĩ rằng, chúng ta không phải chỉ dừng lại ở việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới mà còn phải nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT”.

Một lần nữa khẳng định CMCN 4.0 mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, ông Bình cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp CNTT Việt Nam thời gian tới phải thật nhanh chuyển sang lĩnh vực chuyển đổi số, phải làm sao đẩy mạnh hơn nữa doanh số về chuyển đổi số. “Chúng ta phải làm quen với những công nghệ mới. Thời gian gần đây, khi nói chuyện với các doanh nghiệp, tôi được nghe nhiều về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, về học máy, học sâu, robotic… Điều đó cho thấy chúng ta đang có sự chuyển đổi rất quan trọng nhưng chúng ta cần phải làm nhanh hơn nữa”, ông Bình nhận định.

Làm một so sánh nhỏ về doanh thu và nhân lực của công nghiệp CNTT Ấn Độ và Việt Nam, ông Bình thông tin: trong năm 2017, quy mô công nghiệp CNTT Ấn Độ khoảng 160 tỉ USD, trong khi Việt Nam là 3,2 tỉ USD. Còn về tốc độ tăng trưởng, theo thống kê của Bộ TT&TT, có những doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam tương đương với Ấn Độ là 15%. “Nghĩa là nếu chúng ta còn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì không đời nào đuổi kịp Ấn Độ”, ông Bình chỉ rõ.

Về lực lượng lao động, theo ông Bình, ước tính Việt Nam có khoảng 350.000 nhân lực làm phần mềm trong tổng số khoảng 780.000 người làm trong lĩnh vực CNTT; trong khi đó, CNTT Ấn Độ có 2,8 triệu nhân lực và họ tạo ra công ăn việc làm cho 8,9 triệu người, đóng góp tới 7,7% vào GDP đất nước. “Chưa có tới 1 triệu nhân lực làm phần mềm thì chúng ta khó có thể nói mình là cường quốc về phần mềm”, Chủ tịch VINASA thẳng thắn.

Cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cần phải làm mạnh hơn, nhanh hơn để vượt qua "ngưỡng" doanh thu và nhân lực hiện nay, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình kỳ vọng: “Các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam chớp lấy cơ hội này, đi nhanh vào chuyển đổi số, tạo vị thế cho Việt Nam trở thành một quốc gia thông thạo về chuyển đổi số, đẩy doanh số tăng trưởng tốc độ cao hơn nữa, sao cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong 10 năm tới phải tăng cỡ 10 lần, tức là lên thành 30 tỉ USD và vượt ngưỡng 1 triệu lập trình viên”.