Theo chia sẻ của TS. Phạm Việt Dũng, Tạp chí Cộng sản, Việt Nam cần học hỏi các bài học công nghiệp hoá từ chính các nước phát triển. x

Nhật Bản

Ngành công nghiệp Nhật Bản trải qua ba giai đoạn: 

Từ 1945 - 1950: Đây là thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Nhà nước bằng cơ chế chính sách đặt trọng tâm vào xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển một số ngành công nghiệp cơ bản, như: điện, thép, đóng tàu.

Từ cuối năm 1950 - 1970: Nhật Bản phát triển với tốc độ cao, diễn ra hàng loạt các cải tiến kỹ thuật. Đã thực hiện chính sách công nghiệp hóa toàn diện, vừa phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và hàng thay thế nhập khẩu, vừa mở rộng cơ sở công nghiệp phát triển các ngành mới có triển vọng, trong đó trọng tâm là sự tổng hợp cơ khí thông dụng, phụ tùng máy móc điện tử. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thực hiện cho hướng phát triển này, như: hạn chế nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp.

Từ năm 1970: Nhật Bản thực hiện tự do hóa đầu tư, phát triển cơ chế thị trường, nhà nước giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Trọng tâm của chính sách công nghiệp là đưa được nhận định và triển vọng tương lai của các ngành công nghiệp theo hướng cải cách cơ cấu ngành nghề.

Sau giai đoạn này, hình thành những doanh nghiệp mạnh, chiếm lĩnh trong từng lĩnh vực, là cơ sở đưa đến sự phát triển nhanh chưa từng có của công nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Chính phủ Nhật Bản đã từng bước ban hành và triển khai các chính sách để thúc đẩy CMCN 4.0. Đặc biệt, việc phổ biến và phát triển công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) và CMCN 4.0 đã được Nhật Bản đẩy mạnh.

Tháng 4/2014, Bộ phận Hệ thống sản xuất của Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Nhật Bản (JSME-MSD) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cùng hợp tác thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với nhau, xây dựng mô hình kết nối chung, kết quả là tổ chức “Sáng kiến ​​Chuỗi giá trị ngành công nghiệp” (IVI) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6/2015.

Tháng 01/2016, “Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ 5 giai đoạn 2016 – 2020” được công bố, trong đó đề xuất xây dựng một xã hội siêu thông minh hay còn gọi là “Xã hội 5.0”. Mục tiêu chính của “Xã hội 5.0” là giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách kết nối các hệ thống sử dụng công nghệ số làm nền tảng hợp nhất không gian thực và không gian số. Đây là xã hội cung cấp hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu của từng cá nhân.

Hàn Quốc

Từ sau Chiến tranh Triều Tiên kết thúc đến năm 1962, trọng tâm phát triển công nghiệp là các ngành sản xuất hàng thay thế nhập khẩu bằng cách sử dụng nguyên liệu do Mỹ viện trợ như: chế biến thực phẩm, tơ sợi, may mặc. Mức tăng thu nhập quốc dân theo đầu người hàng năm chỉ đạt 1,1%. Song những năm 1960 dựa vào thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Các ngành được coi trọng là tơ sợi và công nghiệp nhẹ, gia công nông sản, giai đoạn này mức tăng trưởng thu nhập bình quân hàng năm tăng lên đến 6,7% - 8%.

Từ năm 1973, Hàn Quốc bắt đầu xây dựng các ngành công nghiệp nặng nhằm cung cấp nguyên liệu và máy móc cần thiết cho các ngành khác, đồng thời nhằm phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu như: thép, đóng tàu, điện tử, ô tô và hóa chất.

Bên trong dây chuyền lắp ráp ô tô tự động của Hàn Quốc

Với chiến lược phát triển công nghiệp này, Hàn Quốc trở thành một trong những nước công nghiệp phát triển. Sau cuộc khủng hoảng châu Á, chiến lược phát triển công nghiệp của Hàn Quốc cũng được đánh giá lại, những ngành công nghiệp công nghệ cao được ưu tiên hỗ trợ phát triển. 

Tháng 6/2014 Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức đưa ra chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”. Chiến lược này đồng nghĩa với CMCN 4.0 phiên bản Hàn Quốc và là một phần trong sáng kiến hàng đầu của Tổng thống Park Gun-hye về “Kế hoạch kinh tế sáng tạo” trước đó.

Mục tiêu chính của Chiến lược “Cải cách công nghiệp sản xuất 3.0”, gồm:

- Thúc đẩy việc tích hợp sản xuất và công nghệ thông tin (IoT), từ đó tạo ra một ngành công nghiệp mới với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất/chế tạo của Hàn Quốc.

- Xác lập vị thế của Hàn Quốc như một cường quốc về công nghệ thông tin với sự tích hợp của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và nền sản xuất căn bản.

- Đến 2020, xây dựng được 10.000  nhà máy thông minh với tổng vốn đầu tư khoảng 24 nghìn tỷ KRW (khoảng 23 tỷ USD), trong đó hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Hàn Quốc chỉ dưới 10% và phần chính còn lại sẽ thu hút từ nguồn vốn tư nhân.

- Thúc đẩy sự phát triển SMEs thành các doanh nghiệp có tiềm năng lớn, thông qua thông qua việc sử dụng các công nghệ nhà máy thông minh.   Mục tiêu này là phản ứng trước áp lực gia tăng đối với nền kinh tế Hàn Quốc do chất lượng sản xuất của Trung Quốc ngày càng được cải thiện.

- Chú trọng nâng cao các ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc bằng "năng lực mềm" thông qua tăng cường thúc đẩy sự tăng trưởng của các lĩnh vực/phân đoạn sản xuất kết hợp với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ cốt lõi liên quan đến IoT, in 3D và dữ liệu lớn.

- Mục tiêu đến năm 2024: giá trị sản xuất xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1.000 tỷ USD, nằm trong top 4 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức, vượt qua Nhật Bản.

Đài Loan (Trung Quốc)

Giai đoạn 1948 - 1958, dựa vào tài sản thu được từ chiến tranh và nguyên liệu nhập khẩu, bằng viện trợ của Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) thực hiện công nghiệp hóa để thay thế hàng nhập khẩu, mức thu nhập bình quân theo đầu người chỉ tăng 3%.

Từ năm 1958 - 1970, bằng hàng loạt chính sách như: thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng các khu chế xuất, vay vốn lãi suất thấp... Đài Loan đã chuyển sang chiến lược công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu, đưa mức tăng thu nhập quốc dân lên gấp đôi giai đoạn trước. Các ngành công nghiệp được chú trọng phát triển là: tơ sợi, chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ chế biến, điện tử và điện gia đụng và trở thành các ngành xuất khẩu quan trọng.

Trong thập kỷ 70, trên cơ sở tiềm lực kinh tế đã đạt được, Đài Loan phát triển các ngành công nghiệp nặng then chốt như: gang thép, đóng tàu, hóa dầu, đồng thời tiếp tục phát triển các ngành hàng hướng vào xuất khẩu.

Sang thập kỷ 80, Đài Loan điều chỉnh lại cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao trình độ hơn, với hướng tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện tử, xử lý thông tin, cơ khí và chế tạo linh kiện ô-tô, coi đó là những ngành chiến lược.

Thập niên đầu thế kỷ XXI đến nay, Đài Loan phát triển nền kinh tế chú trọng đổi mới sáng tạo và liên kết với toàn cầu. Hiện nay, Đài Loan vẫn tiếp tục nâng cấp ngành của mình theo các hướng sau:

- Năm 2002, Đài Loan đề ra kế hoạch 6 năm phát triển kinh tế gọi là “Challenge 2008”. Hai trong bảy mục tiêu của kế hoạch này là: tăng số lượng sản phẩm và công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên 3% GDP. Trong 10 lĩnh vực được nhất mạnh có: phát triển thế hệ con người mới, đưa Đài Loan trở thành lãnh thổ kỹ thuật số và là đại bản doanh của các công ty xuyên quốc gia.

- Phát triển 6 ngành công nghiệp chủ đạo mới: du lịch, y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, văn hóa và nghỉ dưỡng, nông nghiệp cao cấp.

- Phát triển 4 ngành công nghiệp thông minh mới: điện toán đám mây, phương tiện vận tải điện (EV) thông minh, kiến trúc thông minh thân thiện môi trường, ứng dụng công nghiệp các bằng sáng chế.

Bài học rút ra cho Việt Nam 

Sản xuất ô tô tại Việt Nam

Điểm chung lớn nhất là, mỗi nước đều khai thác tối đa những lợi thế so sánh về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn lực về tài nguyên, lao động, nguồn vốn, khoa học, công nghệ, vị trí địa lý... để phát triển những ngành nghề trọng tâm mà chiến lược phát triển đặt ra, phù hợp từng giai đoạn, đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0. 

Trong những năm tới, hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển là xu hướng chủ đạo, mặt khác, cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển với trình độ ngày càng cao làm tăng nhanh sản lượng sản xuất, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, quốc tế hóa đời sống kinh tế và đời sống xã hội. Vì vậy, chỉ những quốc gia nào biết phát huy những lợi thế của mình, xác định được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển một nền kinh tế mở và hợp với xu thế của thế giới mới thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vai trò quản lý của nhà nước với các chính sách vĩ mô rất quan trọng, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu của công nghiệp hóa khi mà những mất cân đối còn tồn tại nhiều trong nền kinh tế - xã hội. Sự quản lý của nhà nước thông qua pháp luật, chính sách bảo đảm cho sự phát triển đúng hướng đề ra những mối quan hệ quốc tế, mối quan hệ trong nội bộ nền kinh tế, trong các ngành thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển.

Một bài học nữa là, tùy theo đặc điểm tình hình của mỗi nước về kinh tế - xã hội mà mỗi nước lựa chọn cho mình hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nào cho hợp lý và có kết quả nhất. Thực tiễn cho thấy, trong những giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do ít vốn, lao động nhiều. Chỉ khi tiềm lực kinh tế đã khá vững mới chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Kim Duyên (ghi)