Từ nước nhập khẩu công nghệ trở thành cường quốc công nghệ
Chia sẻ tại phiên chuyên đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vừa được Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/5, Giáo sư Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc đã kể lại câu chuyện xứ sở Kim Chi đã phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Giáo sư Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ. |
Theo Giáo sư Yongrak Choi, từ một đất nước nghèo khó, bị tàn phá bởi chiến tranh, có GDP là 2 tỉ USD tại thời điểm năm 1960, sau 57 năm, Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ. GDP năm 2017 của Hàn Quốc đạt 1.530 tỉ USD), gấp 765 lần so với năm 1960; xuất khẩu đạt 580.310 triệu USD, gấp 17.600 lần.
Nói về sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN) Hàn Quốc, Giáo sư Yongrak Choi cho hay, theo bảng xếp hạng về KHCN trên thế giới, năm 2017, Hàn Quốc xếp thứ 5 về tổng chi quốc gia cho R&D; thứ 6 về số lượng nhà nghiên cứu; dẫn đầu thế giới về chi cho R&D/GDP; thứ 12 về số lượng nghiên cứu quốc tế công bố và xếp hạng 3 về số lượng bằng sáng chế (cấp tại Mỹ).
Giáo sư Yongrak Choi chỉ rõ: “Điểm mạnh cốt lõi của KHCN Hàn Quốc chính là đã chuyển mình thành công từ quốc gia nhập khẩu công nghệ thành cương quốc đi đầu về công nghệ, trở thành một trong những nước đi đầu trong cung cấp công nghệ trên thế giới.
Cùng với đó, hiện tại Hàn Quốc cũng có đủ nguồn nhân lực con người, từ các kỹ sư cho đến nhà nghiên cứu R&D; nhiều cơ sở nghiên cứu có năng lực và khả năng cạnh tranh cao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu sau đại học và các doanh nghiệp tư nhân; có các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, tiêu biểu như Samsung, Hyundai, LG, SK, POSCO…; có năng lực chế tạo và nắm bắt, làm chủ phương thức sản xuất.
Cũng trong gần 6 thập kỷ vừa qua, Hàn Quốc đã tái cấu trúc thành công cơ cấu sản xuất công nghiệp của nước mình. Nếu như vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, với sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu là quặng sắt, tơ tằm thô, than antraxit, gỗ ván ép, gạo...; đến thập kỷ 70 tập trung vào công nghiệp nhẹ với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu là dệt may, gỗ ván ép, tóc giả...; và trong những năm 2000, sản xuất công nghiệp của đất nước này đã tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nặng và hóa chất, với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là bán dẫn, xe hơi, màn hình phẳng, linh kiện xe hơi thiết bị viễn thông không dây, máy tính...
Samsung thời gian đầu đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ và sau 10 năm, tập đoàn này đã ngang hàng với những ông lớn thế giới (Ảnh minh họa: Internet). |
Lấy dẫn chứng về sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai..., Giáo sư Yongrak Choi thông tin, Samsung thời gian đầu đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ. Sau 10 năm, Samsung đã ngang hàng với những ông lớn thế giới. Tương tự, tập đoàn xe hơi Hyundai cũng đã nhập khẩu mạnh mẽ công nghệ của nước ngoài, thúc đẩy học hỏi nắm bắt các công nghệ lõi từ các nước, sau đó phát triển công nghệ lõi của riêng mình.
Còn với POSCO, tập đoàn thép này đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. POSCO đã tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện quy mô lớn ở nước ngoài, thuê tư vấn nước ngoài. Trong vòng 15 năm, POSCO đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép.
Phát triển lĩnh vực CNTT&TT (ICT) cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu, 58% trong tổng chi cho R&D (2017). ICT được thúc đẩy mạnh ở Hàn Quốc từ giữa thập niên 1980. Chính phủ nước này đã xác định một số ngành mũi nhọn mang tính chiến lược như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động...
Hàn Quốc cũng đẩy nhanh cuộc CMCN 4.0 với các công nghệ mới AI, IoT, 3D Printing, Robot, VR, Blockchain... Cùng với các chương trình R&D mang tầm quốc gia tập trung vào công nghệ lõi của CMCN 4.0, Hàn Quốc xác định 4 trọng tâm gồm: định vị được phân khúc, lĩnh vực riêng của Hàn Quốc; phát triển được nhân lực ICT mang tầm toàn cầu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh; củng cố hệ sinh thái thân thiện.
Khuyến nghị từ Hàn Quốc để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
Giáo sư Yongrak Choi nhấn mạnh: “Động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân là đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ; thúc đẩy quá trình học hỏi, nắm bắt công nghệ để làm chủ và theo kịp công nghệ nhập khẩu; chiến lược R&D định hướng thị trường. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D và phát triển nguồn nhân lực, chọn lựa lĩnh vực ưu tiên chiến lược để dồn lực đầu tư, đi đầu trong việc chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Cũng theo phân tích của vị chuyên gia này, để phát triển mạnh KH&CN, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra hàng loạt chính sách, tiêu biểu như: kết hợp quy hoạch KH&CN dài hạn với trung hạn; các công cụ, quy hoạch dài hạn để phát triển nguồn nhân lực KH&CN; ưu đãi tài chính; các chương trình R&D quốc gia; trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu công lập; chuyển giao công nghệ hiệu quả; khảo sát R&D hàng năm, thứ hạng cạnh tranh KH&CN trên thế giới và các xu hướng công nghệ toàn cầu; thu hút nhân tài cho Chính phủ...
Từ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, Giáo sư Youngrak Choi đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Về chính sách phát triển KH&CN, ông đề xuất Việt Nam cần tích hợp KH&CN một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp; đầu tư mạnh tay cho R&D và phát triển nguồn nhân lực. “Việt Nam cũng cần có quyết tâm cao độ, một khi đã lên kế hoạch thì phải thực hiện. Chúng ta cũng cần xác định động lực chính, đó là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp”, Giáo sư Youngrak Choi nêu quan điểm.
Đề cập đến quan điểm về kinh tế và công nghiệp, Giáo sư Youngrak Choi cho rằng, Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp tư nhân, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu, thay vì lợi nhuận trong ngắn hạn. “Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, giúp doanh nghiệp vượt qua ngại ngần”, Giáo sư Youngrak Choi chia sẻ.