Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển AI tại Hàn Quốc |
Đem đến bài chia sẻ về kinh nghiệm phát triển AI của Hàn Quốc trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc gợi ý trí tuệ nhân tạo có thể là hướng đi của Việt Nam. "Giống như Hàn Quốc, AI sẽ là tương lai của Việt Nam", vị này cho biết.
Theo Tiến sĩ Sung Noh, tận dụng tốt AI, các quốc gia có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Bằng chứng là ở Hàn Quốc, trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cơ cấu toàn xã hội, việc làm, ngành nghề và cả con người. Chính phủ xây dựng các chính sách phát triển AI, trong đó tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ sức phục vụ phát triển công nghiệp trong nước.
Hàn Quốc nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng cho nguồn dữ liệu lớn. Trí tuệ nhân tạo cũng tác động đến việc thay đổi các công việc tuyển dụng và phân loại chất lượng nhân lực ở Hàn Quốc. Như ở Hàn Quốc, AI hiện diện mạnh mẽ trong sản phẩm của những tập đoàn nổi tiếng như Samsung, LG. Hàn Quốc chỉ cách biệt khoảng 1,4 năm so với trình độ AI của Mỹ. Thị trường AI trong nước đạt giá trị khoảng 2,2 tỷ won vào năm 2018, ông nói.
Về nhân lực, Hàn Quốc thành lập các khoa đào tạo chuyên sâu về AI ở trường đại học, viện nghiên cứu và ngay trong doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ chính sác về việc ứng dụng AI, tạo tiền đề thu hút nhiều nhân tài, tham gia vào tiến trình này.
Cũng theo đánh giá của ông Kyoo Sung Noh, Việt Nam là quốc gia có mức độ ứng dụng AI khá cao trong khu vực, ngang với Singapore. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển AI dài hạn hơn. Ông Kyoo Sung Noh cũng đề xuất các ý tưởng hợp tác AI giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 4 lĩnh vực là thành phố thông minh, nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh và đào tạo nhân lực thông minh.
Cụ thể, trong lĩnh vực thành phố thông minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho rằng những kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Hàn Quốc (triển khai từ năm 2000) sẽ giúp ích cho Việt Nam thời gian tới khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng smartcity.
Lĩnh vực thứ 2 là các nhà máy thông minh khi hiện nay các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG... đều áp dụng dây chuyền hiện đại trong sản xuất. Có không ít doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam và gặt hái nhiều thành quả. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nào cũng áp dụng . Vì vậy Chính phủ Hàn Quốc đang kết hợp với các tập đoàn lớn để hỗ trợ họ trong sản xuất. Thông qua AI sẽ điện tử hóa dây chuyển sản xuất và nâng cao năng xuất; giảm tỷ lệ hàng hóa lỗi...
Trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, ông này cho hay, tại Hàn Quốc, AI được dùng trong nông nghiệp như data cây trồng... Kinh nghiệm tại Hàn Quốc có thể phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và có thể giúp ích cho khoảng 40% dân số đang sản xuất nông nghiệp trong nước.
Để thực hiện AI quan trọng nhất là đào tạo nhân lực. Theo chuyên gia, nên ứng dụng công nghệ thông tin cho các cấp học, thực hiện chương trình đào tạo chuyên gia AI của 2 nước thời gian tới.
KPC là trung tâm năng suất quốc gia của Hàn Quốc thành lập năm 1957 với mục đích cải thiện nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh. KPC đang phối hợp Chính Việt Nam để đưa ra nhiều dự án hợp tác hỗ trợ 2 nước. "Trong quá trình phát triển công nghiệp 4.0 KPC xin được đồng hành với Việt Nam", vị chuyên gia nói.