Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường nhức nhối nhất thế giới hiện nay, đòi hỏi sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học và hoạt động môi trường, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu, chất liệu tạo thành nhựa khối, đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. 

Đáng quan ngại là chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% còn lại bị vứt trong các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường (trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn thải ra biển) nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. 

Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

W-minhhoa.png
Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.

Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng và các chính sách cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặt mục tiêu giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương vào năm 2030. Kế hoạch hành động đề cập đến việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, tăng cường thu gom và xử lý rác thải nhựa và kiểm soát nguồn rò rỉ nhựa cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ liên quan đến vấn đề chất thải nhựa.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; thúc đẩy các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm chứa vi nhựa và kiểm soát nhập khẩu phế liệu nhựa...

Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam tập trung vào thu gom, tái chế và xử lý 85% lượng chất thải nhựa vào năm 2025. Đề án đặt ra yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện xây dựng chính sách, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sửa đổi thuế và kiểm soát nhập khẩu nhựa phế liệu, trong khi yêu cầu các tỉnh và thành phố xây dựng kế hoạch quản lý chất thải nhựa tại mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”.