Đối ngoại đa phương là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động và tích cực vận động Liên hợp quốc, trước hết là các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ), tiếp nhận Việt Nam vào LHQ, công nhận nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Các Hội nghị và Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Paris 1973 đã góp phần chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, dẫn đến thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó cũng là đóng góp lớn của Việt Nam trên diễn đàn đa phương vào hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực và trên thế giới.

{keywords}
Khóa họp thường kỳ lần thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa khai mạc. Đoàn Việt Nam do Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm Trưởng đoàn.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ, trong hơn 40 năm tham gia LHQ, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp, tham gia nhiều cơ quan quan trọng của LHQ: ECOSOC, Hội đồng Bảo an... Cuối năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia và được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC).

Chúng ta tích cực tham gia trên tất cả 3 trụ cột hoạt động của LHQ là hoà bình, an ninh, phát triển và quyền con người.

Trong lĩnh vực phát triển:

Hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ, thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Việt Nam đã về đích trước hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ (MDGs), đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của LHQ và đi tiên phong trong việc áp dụng những mô hình hợp tác mới. Việt Nam đã nhiều lần được bầu làm thành viên của Uỷ ban Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC), đã chủ động phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động, xây dựng Ngôi nhà xanh chung của LHQ, nhằm điều phối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này tại Việt Nam.

Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên thúc đẩy triển khai Chương trình nghị sự 2030 ở cấp độ quốc gia, khu vực và trên bình diện toàn cầu. Việt Nam và LHQ đã ký và tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) giai đoạn 2017-2021 giữa chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan LHQ. Chúng ta đang nỗ lực phấn đấu là một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong các lĩnh vực mà ta có thế mạnh và truyền thống làm tốt như xoá đói nghèo, y tế, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh lương thực… cũng như hướng tới tăng trưởng xanh và bao trùm, thực hiện các thoả thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa, bảo vệ đại dương.

Trong lĩnh vực quyền con người:

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Vì sự năng động, tích cực và chủ động, Việt Nam được tín nhiệm làm điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền.

Trong vai trò này, Việt Nam rất tích cực trong việc điều phối lập trường của các nước ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục ở Hội đồng này. Đặc biệt chúng ta đã đưa ra sáng kiến được ủng hộ rộng rãi về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.

{keywords}
Đoàn Việt Nam tại phiên họp với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh TTX


Trong lĩnh vực hoà bình, an ninh:

Chúng ta luôn chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không liên kết và đang phát triển đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực…

Năm 2007, Việt Nam trúng cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Trong bối cảnh HĐBA phải xử lý khối lượng công việc đồ sộ do xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phức tạp, nhiều thách thức an ninh toàn cầu mới và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trầm trọng, chúng ta đã đảm nhận thành công trọng trách này, tham gia vào các quyết định liên quan tới giải quyết xung đột, tái thiết hậu xung đột, khủng bố quốc tế, các hoạt động gìn giữ hòa bình và nâng cao tính minh bạch của HĐBA.

Một số đóng góp nổi bật trong nhiệm kỳ này là HĐBA thông qua nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên Liên Hợp Quốc ngoài HĐBA về Báo cáo hàng năm của Hội đồng trước Đại hội đồng.

Việt Nam là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đồng thời là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Từ 2014, chúng ta đã cử các sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, và từ 2018 đã cử bệnh viện dã chiến cấp II đầu tiên tới Nam Sudan, đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột, tạo dựng hòa bình ở các khu vực và trên thế giới.

Nhờ đó mà uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Trần Hằng