- GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đã gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010.

Nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu trở thành chủ đề nóng nhất tại cuộc hội thảo về "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-3035" do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức sáng nay, 28/8.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, sự tụt hậu như trên được công bố một cách chính thức bởi cơ quan của Chính phủ - Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Báo cáo về thực trạng kinh tế xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng, cho biết, năm 2008, chúng ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nhưng vẫn thua xa các nước trong khu vực.

{keywords}

Năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp so với khu vực (ảnh: Phạm Huyền)

Cụ thể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD. Con số này gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ bằng với nước Malaysia năm 1998, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010.

Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.

GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, bằng 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

Trước những so sánh này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bổ sung: "Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân 7%. Tuy nhiên, kể từ 2008 trở lại đây, tăng trưởng chỉ còn hơn 5%. Nếu GDP chỉ tăng khoảng 5% thì đến năm 2035 mới bằng 75% của Thái Lan hiện nay. Cho nên phải đạt tăng trưởng 7% may ra mới đuổi kịp được Thái Lan".

"Nguy cơ tụt hậu của Việt Nam rất lớn nếu không thay đổi. Việt Nam không thể chần chừ cải cách kinh tế, bởi nếu còn chần chừ, nguy cơ tụt hậu sẽ còn rất xa so với các nước trong khu vực. Giờ, không có còn đường nào khác, không có đường lùi", ông Cung lo ngại.

PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng chia sẻ: “Các nước xung quanh làm được sao ta lại không làm được?”.

"Chúng ta phải đảm bảo thực sự mở cửa và hội nhập, thu hút được mọi nguồn lực cho phát triển và phải hoàn thiện để có một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại", ông Thắng nói.

Chủ trì hội thảo này, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đặt vấn đề: "Có thật sự là năng lực cạnh tranh của ta đang kém hơn các nước khác hay không, gây nên mối nguy trong hội nhập. Hội nhập là phải cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì chúng ta sẽ thất bại".

Phạm Huyền