Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) lần thứ 2 của Việt Nam đánh giá tiến độ thực hiện SDG, xác định các khó khăn, thách thức và đề ra những ưu tiên chính sách để khắc phục tiến độ SDG.
VNR đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho cuộc đối thoại về các chính sách ưu tiên và quá trình chuyển đổi để sau đó chuyển thành các cam kết, sáng kiến và hành động quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ đạt được SDG.
Tiến sỹ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Việt Nam đã trình bày thành công VNR năm 2023 và nhấn mạnh những đóng góp tích cực, tham gia sâu rộng của các bên liên quan trong quá trình xây dựng VNR, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật của GIZ và Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Ông Lê Việt Anh khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện toàn diện SDG thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách cấp quốc gia, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ xác định các lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên, có tính lan tỏa trong thực hiện SDG để định hướng cho việc tập trung nguồn lực và huy động sự tham gia của các bên liên quan và bày tỏ hy vọng các cuộc đối thoại chính sách chính là điểm khởi đầu quan trọng để các bên cùng chung tay thúc đẩy, đổi mới trong thực hiện nhằm hoàn thành SDG vào năm 2030.
Ông Simon Kreye, Đại biện lâm thời Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho hay, Chính phủ Đức rất hân hạnh được hỗ trợ sự kiện. Đây là cơ hội để phát huy sự đồng tâm hiệp lực giữa các tổ chức quốc tế có chung mục đích hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Ông Simon Kreye cho biết, Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh do GIZ thực hiện theo sự ủy thác của Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hiệu quả hơn nữa các nguồn lực công và tư, để đầu tư cho tăng trưởng xanh và bao trùm, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Việt Nam.