- Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc song phương giữa Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam với Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản (5-9/7), Cục Tần số Vô tuyến điện và Cơ quan Quản lý Tần số Nhật Bản đã ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực quản lý tần số.
Theo Biên bản này, hai bên sẽ hợp tác trong việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về quản lý tần số, phát triển đào tạo trong lĩnh vực quản lý tần số. Đồng thời, Cục Tần số và Cơ quan Quản lý Tần số Nhật Bản sẽ đẩy mạnh các vấn đề hợp tác đa phương, các hình thức hợp tác khác trong lĩnh vực này.
Lãnh đạo 2 Bộ tại lễ ký MOU giữa Cục Tần số vô tuyến điện VN với Cơ quan quản lý tần số (Cục Viễn thông) Nhật Bản. |
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Tần số nhấn mạnh rằng, đây là thỏa thuận khung, dựa trên thực tế triển khai hoạt động, các đơn vị chức năng liên quan sẽ xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể.
Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của Biên bản ghi nhớ, Cục Tần số cho biết, do đặc điểm sóng vô tuyến điện là truyền lan không biên giới quốc gia nên việc tăng cường hợp tác song phương với cơ quan quản lý tần số các nước, đặc biệt việc ký các thỏa thuận hợp tác quốc tế song phương với các nước là rất quan trọng.
"Sự hợp tác song phương này sẽ đảm bảo tính hài hòa trong việc Quy hoạch sử dụng tần số giữa các nước. Khi xảy ra vấn đề hoặc can nhiễu tần số, các nước có quan hệ hợp tác với nhau sẽ dễ dàng phối hợp xử lý, giải quyết hơn. Tương tự, việc phối hợp để xây dựng quy định của các nước trong khu vực và trên thế giới về quản lý tần số, đào tạo nhân lực cho cơ quan quản lý tần số các nước sẽ thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn", cơ quan này phân tích.
Nhận thức rất rõ tinh thần này nên trong suốt thời gian qua, Bộ TT&TT và Cục Tần số đã đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế song phương về quản lý tần số với các nước. Cục đã ký các thỏa thuận hợp tác song phương với cơ quan quản lý tần số các nước như Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia....
Đặc biệt, thông qua việc ký MoU với cơ quan quản lý tần số Pháp, phía bạn đã hỗ trợ Cục Tần số đào tạo về kiểm soát sự kiện nhằm giúp kiểm soát tốt các sự kiện quan trọng tổ chức tại Việt Nam. Hoặc hàng năm, cơ quan quản lý tần số Hàn Quốc lại hỗ trợ các khóa đào tạo về quản lý tần số cho phía Việt Nam.
Về phần mình, Cục Tần số cũng thường tổ chức các khóa đào tạo tương tự cho cán bộ tần số của Lào. Tại các Hội nghị quốc tế về tần số như APG, AWG và WRC…, Lào luôn ủng hộ các đề xuất của Việt Nam. Công tác quản lý và phối hợp tần số vùng biên cũng thuận lợi hơn rất nhiều nhờ việc ký kết các thỏa thuận phối hợp tần số vùng biên của Việt Nam với Trung Quốc và Campuchia.
"Việc triển khai MoU sẽ giúp cho Việt Nam và Nhật Bản đạt được sự hài hòa về quản lý tần số của các nước trong khu vực và thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế về quản lý tần số. Đặc biệt, các cán bộ hai bên sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý tần số của mình", đại diện Cục Tần số khẳng định.
T.C