Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến ,với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm (Ảnh: T.Anh)

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 15/5.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn với các địa phương về mức độ phát triển TMĐT.

Đồng thời, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Kế hoạch cũng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT, đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 cả về quy mô thị trường TMĐT, hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp cũng như về phát triển nguồn nhân lực TMĐT.

Theo đó, về quy mô thị trường TMĐT, kế hoạch đặt mục tiêu vào năm 2025, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Cùng với đó, doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đối với hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho TMĐT, theo kế hoạch, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT sẽ đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua ác tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT.

Cũng vào năm 2025, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cở dữ liệu dùng chung về TMĐT.

Về tương quan phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: Đến năm 2025, các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C của toàn quốc; 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên cả nước có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, kế hoạch còn đề ra nhiều mục tiêu cụ thể khác như: 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 70% các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, viễn thoogn và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, kế hoạch vạch rõ 6 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0; Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng TMĐT; Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT…

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phải được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực thuộc ngành công thương và các ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, phân phối và các ngành dịch vụ khác.

Việc tổ chức thực hiện kế hoạch này còn cần gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển và ứng dụng CNTT-TT; các chương trình cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Bộ Công Thương là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương phát hành hồi trung tuần tháng 9/2019 cho hay, những năm gần đây, doanh thu TMĐT B2C của Việt Nam đã liên tục, từ mức doanh thu 4,07 tỷ USD vào năm 2015 lên 6,2 tỷ USD năm 2017 và đạt tổng doanh thu 8,06 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng 30% so với năm trước.

Cùng với đó, thị trường TMĐT Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng về gia tăng về số người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng như tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong đó, số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người ước đạt 202 USD, tăng 16 USD so với năm trước đó.

Theo Báo cáo “Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018” do Google - Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

M.T