Phát biểu kết luận hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017, định hướng công tác năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được tổ chức ngày 16/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác một lần nữa khẳng định, kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 đã được làm rất tốt trong năm 2017 được thể hiện rõ qua các số liệu thống kê đã được VNNIC báo cáo, như tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng trưởng 200%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; ứng dụng IPv6 bình quân đạt 10%, xếp thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 5 khu vực châu Á với hơn 4 triệu người dùng IPv6…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại đó là, mặc dù kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam đứng thứ 5 khu vực châu Á song vẫn còn thấp hơn so với trung bình chung toàn cầu, hiện tại tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam khoảng 10% trong khi tỉ lệ trung bình chung của thế giới xấp xỉ 23%.
Mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp. Hiện tại, mới có Bộ TT&TT đã kích hoạt hỗ trợ IPv6 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, còn các Bộ, ngành khác chưa triển khai.
Một hạn chế nữa, theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, là mức độ cung cấp dịch vụ IPv6 của doanh nghiệp còn chưa đồng đều, đặc biệt là chưa triển khai IPv6 trên dịch vụ 4G. Đây cũng là sự khác biệt với quốc tế, khi sử dụng IPv6 được coi là mặc định trong cung cấp dịch vụ 4G như các mạng lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... “Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam chưa triển khai, mới đang thử nghiệm cung cấp IPv6 cho thuê bao 4G một cách dè dặt", Thứ trưởng cho hay.
Đối với kế hoạch năm 2018, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải giao VNNIC - Thường trực Ban công tác phát triển IPv6 quốc gia tiếp tục đôn đốc thúc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018. Trong đó, tập trung vào một số nội dung: Tăng cường triển khai IPv6 trong ứng dụng CNTT của khối cơ quan Đảng, Nhà nước bao gồm Chính phủ điện tử; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hệ thống máy tính kết nối Internet và các ứng dụng CNTT thuê/mua ngoài của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảm bảo hỗ trợ IPv6.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tin học hóa, VNNIC và Cục Bưu điện Trung ương triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho mạng khối cơ quan Đảng, Nhà nước. VNNIC tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, tư vấn hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho khối cơ quan Đảng, Nhà nước.
Về nội dung tăng cường ứng dụng, phần mềm, dịch vụ nội dung số trên nền tảng IPv6, Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, các IDC chủ động cung cấp dịch vụ IPv6 cho người sử dụng; tăng cường truyền thông, khuyến khích khách hàng để nắm bắt và sử dụng dịch vụ IPv6. Các doanh nghiệp phát triển phần mềm, ứng dụng chủ động triển khai hỗ trợ IPv6 trên các sản phẩm, dịch vụ của mình.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị các doanh nghiệp triển khai cung cấp chính thức dịch vụ di động 4G LTE cho thuê bao di động. VNNIC và Cục Viễn thông được giao giám sát, khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE.
Đối với việc xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy IPv6, Ban Công tác, VNNIC được yêu cầu tăng cường làm việc với các với doanh nghiệp để doanh nghiệp có các cam kết tự nguyện trong việc triển khai IPv6. VNNIC, Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông,Vụ CNTT, Vụ KHCN và các đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy IPv6 trong công tác xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án về Viễn thông và CNTT.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về thúc đẩy triển khai IPv6. VNNIC được giao chủ trì tổ chức sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam 2018 theo định hướng chủ đề triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE cũng như dịch vụ nội dung. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ triển khai IPv6, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, doanh nghiệp nội dung số trong hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2018.
VNNIC phối hợp với Trung tâm Thông tin, các cơ quan báo chí của Bộ, các báo điện tử và Hiệp hội Internet Việt Nam truyền thông về công tác thúc đẩy triển khai IPv6; tiếp tục duy trì và cập nhật chuyên trang về mức độ sẵn sàng IPv6 của Việt Nam (Vietnam IPv6 Ready); tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ quốc tế về IPv6 để nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong công tác chuyển đổi IPv6.
Cũng tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017, định hướng công tác năm 2018 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 3 tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2017, đó là Ban Công nghệ mạng, Tập đoàn VNPT; Tổng Công ty VNPT-Net; Trung tâm Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT và ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng quản lý hạ tầng, Trung tâm Kỹ thuật, Công ty CP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online).