Trong Hội nghị quốc tế Gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam - Ngày CNTT-VT Nhật Bản diễn ra hôm nay 26/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản về CNTT.

Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, Thứ trưởng cho biết doanh thu của phần mềm và CNTT trong năm 2016 tại Việt Nam cao gấp 12 lần so với năm 2008, ước đạt trên 8,1 tỷ USD, xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD. Tính chung trên cả nước hiện nay có 7.400 doanh nghiệp đăng ký trong các lĩnh vực phần mềm, trong đó có khoảng 200 công ty có quy mô từ 150 đến 200 người, 10 doanh nghiệp có quy mô xấp xỉ trên 1.000 người.

Thứ trưởng đánh giá các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam trong thời gian qua rất chú trọng đến việc nâng cao quy trình đồng bộ, quản lý chất lượng, an toàn thông tin và nhiều doanh nghiệp đã đạt được chứng chỉ về quy trình quản lý chất lượng phần mềm cấp quốc tế như CMMI, ISO 27001, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ ở mức cao nhất là mức 5.

“Nhờ những nỗ lực này Việt Nam đã nằm trong nhóm 10 quốc gia ấn tượng nhất về gia công phần mềm trên toàn thế giới. Các thị trường lớn của Việt Nam hiện nay là Bắc Mỹ và Nhật Bản, trong đó thị trường Nhật Bản đang được đặc biệt quan tâm hiện nay do có sự tương đồng về văn hóa và địa lý cũng như đã có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều năm qua”, Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu.

“Nhằm tiếp tục nâng cao tiềm năng và sức hấp dẫn đầu tư của CNTT Việt Nam, thực hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Bộ TT&TT đang phối hợp cùng các bộ ngành tiếp tục xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi, các chương trình phát triển ngành, đồng thời tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách để bãi bỏ các rào cản và tạo thêm môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp phần mềm. Và hiện nay ngành CNTT Việt Nam đang hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về đầu tư, về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và được hưởng các ưu đãi tương đương các doanh nghiệp công nghệ cao”, Thứ trưởng Phan Tâm tiếp tục.

Thứ trưởng đánh giá nguồn nhân lực ngành CNTT Việt Nam dồi dào. Năm 2016 lực lượng lao động này đã đạt hơn 72.000 và Việt Nam đang cố gắng từng bước chuẩn hóa nguồn nhân lực CNTT phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như các doanh nghiệp đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản.

Vị đại diện Bộ TT&TT cho biết Bộ luôn xác định hợp tác với các đối tác Nhật Bản là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển ngành CNTT Việt Nam. Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ - Truyền thông của Nhật Bản đã ký kết hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT. Trong đó, hai bộ cam kết sẽ ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT hai nước hợp tác, hiện thực hóa các tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh to lớn đang mở ra giữa hai nước.

“Cùng với các nỗ lực của Chính phủ, Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghiên cứu của hai nước tiếp tục chủ động triển khai có hiệu quả các mối hợp tác đang triển khai từ trước đến nay, như hoạt động hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn lẫn trình độ tiếng Nhật, hợp tác trong các nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm”, Thứ trưởng phát biểu.

“Với cam kết của Chính phủ, với sự tích cực chủ động của doanh nghiệp hai nước, của Vinasa, tôi rất tin tưởng trong lĩnh vực phần mềm và CNTT quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ đạt được nhiều thành quả trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phan Tâm kỳ vọng.