Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có Luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…; hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế.
Chủ trì phiên Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”, trong chương trình Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, diễn giả của Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0”.
Đồng ý với ý kiến một số đại biểu đã nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta phải tìm sự khác biệt để nâng cao tốc độ áp dụng cuộc cách mạng này, đặc biệt là giới khoa học công nghệ, giới doanh nghiệp để tiến bước với các nước hàng đầu khu vực ASEAN. Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội mới để phát triển, đồng thời nảy sinh thách thức không nhỏ đối với quốc gia, doanh nghiệp, mỗi cá nhân. “Vì vậy, áp dụng, ứng phó, ngăn chặn tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, đặt ra và cũng mong các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong CMCN 4.0”, Thủ tướng nói.
Đại diện các tập đoàn hoan nghênh một số chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực khoa học công nghệ, mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực. Các đại biểu cho rằng, cần đưa chương trình giảng dạy về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào các trường Đại học và cả ở Tiểu học. Điều quan trọng, theo ý kiến đại biểu, để áp dụng CMCN 4.0 thì cần tạo ra sự khác biệt.
Các đặc trưng chính của Chính phủ số theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới - tổ chức lớn nhất toàn cầu về đấu tranh chống đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển, bao gồm: Các nguyên tắc đối với dịch vụ của Chính phủ số (mặc định là số hóa; không phụ thuộc thiết bị, hướng tới thiết bị di động; thiết kế dịch vụ lấy người dùng làm trung tâm; số hóa hoàn toàn; Chính phủ là nền tảng - Platform), Các khối tiêu chuẩn của Chính phủ số (Một cổng duy nhất; dữ liệu được tích hợp và chia sẻ trong toàn bộ khu vực công; các dịch vụ liên bộ, liên ngành hoặc liên vùng được chia sẻ; cơ sở hạ tầng của Chính phủ được dùng chung; các mạng cảm biến và khả năng phân tích dữ liệu được cải thiện; an toàn thông tin mạng và bảo đảm tính riêng tư), Kỹ năng và yếu tố dẫn dắt của Chính phủ số (khả năng lãnh đạo và điều hành chính quyền; đổi mới trong nội bộ Chính phủ; thay đổi kỹ năng và văn hóa).
Chính phủ số được công nhận là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nỗ lực cho cả chính phủ và người dân. Việc xây dựng Chính phủ số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn. Trong khi đó, dữ liệu mở sẽ tạo động lực cho phép mọi người truy cập và sử dụng dữ liệu giúp thông tin được nhanh chóng, chính xác, tạo các cơ hội lớn để phát triển kinh tế số.
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số minh bạch, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân. Một loạt các kế hoạch, chương trình được đặt ra, phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 4 ASEAN về dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.