Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”. |
Sáng ngày 26/9/2019 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”.
Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Hội nghị này là nơi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà làm chính sách chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển thị trường, mô hình kinh doanh nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng và phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện tỉnh Lâm Đồng, khẳng định với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới theo định hướng của Chính phủ. Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia thúc đẩy, phát triển những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, nâng cao hiệu suất lao động, giải quyết các bài toán đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm …Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán cho định hướng phát triển nền nông nghiệp thông minh của Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam, áp dụng điều kiện canh tác nuôi trồng của từng vùng miền, con giống cây trồng, đặc sản nông nghiệp của Việt Nam.
Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về CNTT, đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra hai chủ trương lớn. Đó là phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trọng tâm là doanh nghiệp CNTT, công nghệ số với nhiệm vụ phát triển và đưa sản phẩm, giải pháp công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Thứ hai là phát triển sản phẩm dịch vụ Make in Việt Nam với nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Đây là một chủ trương quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong việc tìm ra những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, giải quyết các bài toán đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam.
Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận về cuộc CMCN4.0, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải thay đổi, phải thực hiện chuyển đổi số để tận dụng cơ hội phát triển mà công nghệ số đem tới. Doanh nghiệp công nghệ chính là người dẫn dắt quá trình này, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho chuyển đổi số. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Đây là một nhận thức quan trọng cần có sự quán triệt để thống nhất trong hành động phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Các cơ quan nhà nước cần ưu tiên đầu tư, mua sắm và ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ sản phẩm, dịch vụ công nghệ thương hiệu Việt. Đây là giải pháp quan trọng để tạo ra thị trường cho doanh nghiệp. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, khi mua sắm Chính phủ hướng vào các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt, Make in Việt Nam sẽ góp phần đáng kể nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu.
Ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn và ngành TT&TT cần hợp tác chặt chẽ hơn, gắn kết hữu cơ hơn để đề xuất Chương trình hoặc Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp cao, nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng, trọng tâm việc ứng dụng giải pháp công nghệ của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Ông Nguyễn Kim Phúc, Phó giám đốc Trung tâm tin học và thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tại, việc ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam đã có được những kết quả tích cực. Hệ thống thông tin xúc tiến thương mại đã cung cấp giá trong và thế giới của 14 nhóm mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, thịt các loại, thủy sản ... từ các cộng tác viên ở các chợ đầu mối chính tại 100 huyện và 20 tỉnh thành trên cả nước vào hệ thống qua thiết bị thông minh. Và hàng loạt các ứng dụng khác được triển khai trên cổng thông tin của bộ, thông qua các trang web về quản lý dự báo tình hình hạn hán (http://vndroughtportal.com); hệ thống theo dõi, quản lý công trình trên đê và sự cố (http://dedieu.gov.vn); hệ thống cảnh báo thiên tai Việt Nam (http://canhbaotruotlo.vn) được vận hành hiệu quả đã giúp cho việc phát triển nông nghiệp gặp rất nhiều thuận lợi.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện tại đang có nhu cầu rất lớn ứng dụng công nghệ GIS - Viễn thám về thống kê diện tích trồng trọt; thống kê thiệt hại do thiên tai (phục vụ bảo hiểm nông nghiệp); theo dõi úng lụt, khô hạn, thiệt hại do thiên tai; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, kiểm kê rừng; điều tra tài nguyên, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tàu cá, dự báo ngư trường – nguồn lợi thủ sản; giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản; dự đoán diện tích và sản lượng lúa, tiến độ thu hoạch, theo dõi quá trình sinh trưởng, giám sát mùa màng, dịch bệnh.