- Sự hợp tác trong lĩnh vực CNTT - viễn thông - truyền thông giữa Việt Nam và hai cường quốc công nghệ châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đang có sự thay đổi rõ rệt về chất khi mang tính toàn diện, có chiều sâu và chiến lược ở một tầm hoàn toàn mới.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại diễn đàn Hợp tác đầu tư CNTT - Truyền thông Việt Nam - Hàn Quốc. |
Điều này được thể hiện rất rõ trong chuyến công tác và làm việc song phương của Bộ TT&TT tại hai quốc gia này trong thời gian 30/6-9/7 vừa qua, khi hàng loạt thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đã được ký kết, ở cả cấp Bộ, cấp Cục lẫn giữa các doanh nghiệp công nghệ lớn của các bên.
Đẩy mạnh chính phủ điện tử, thúc đẩy đầu tư kinh doanh
Cụ thể, Bộ TT&TT Việt Nam đã đạt được thỏa thuận hợp tác quan trọng với Bộ Nội vụ và Hành chính công Hàn Quốc trong lĩnh vực chính phủ điện tử. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, trong khi đó, theo bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, liên tiếp trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đều đứng đầu thế giới. Chính quyền Seoul đã xây dựng xong hệ thống chính phủ điện tử kết nối giữa các bộ, ngành và liên thông từ trung ương đến địa phương.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ TT&TT với Bộ Khoa học, CNTT và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc. |
Theo như thỏa thuận này, phía Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng kiến trúc cho chính phủ điện tử, mô hình kiến trúc tài nguyên thông tin quốc gia (như cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương); dịch vụ công trực tuyến; tư vấn giải pháp xây dựng mô hình thành phố thông minh (smart city) dựa trên kinh nghiệm triển khai của mình. Đồng thời, hai bên cũng sẽ hợp tác trong việc xây dựng các chính sách, quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên thông tin quốc gia, riêng Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối với các dự án nâng cao năng lực triển khai ứng dụng CNTT - TT trong khối Cơ quan Nhà nước.
Nhưng đó không phải là "quả ngọt" duy nhất tại Hàn Quốc. Sau Bộ Nội vụ và Hành chính công, một Bộ lớn khác của Hàn Quốc là Bộ Khoa học, CNTT và Kế hoạch tương lai cũng cùng với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son ký kết Biên bản hợp tác mới về "hợp tác toàn diện trong lĩnh vực CNTT - TT" giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí thành lập Ban công tác chung, chỉ định các đầu mối làm việc cụ thể để triển khai các cam kết trong Biên bản hợp tác, đảm bảo cho nội dung ký kết đi vào thực chất.
Trọng tâm của giai đoạn "hợp tác toàn diện" mới sẽ là đẩy mạnh hợp tác thúc đẩy đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của hai nước tăng cường tiếp xúc trực tiếp với nhau, Không chỉ chia sẻ thông tin, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh; doanh nghiệp hai nước còn có thể hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
Các lĩnh vực hợp tác then chốt được xác định là Internet của vạn vật, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, phát triển phần mềm và nội dung số, mạng viễn thông 4G, 5G và OTT, tái cơ cấu các doanh nghiệp viễn thông, quyền sở hữu trí tuệ.....
Đây có thể nói là 2 thỏa thuận có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2 vào Việt Nam. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, Hàn Quốc đã dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký, cấp mới và tăng thêm là 1,52 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.
Về phần mình, Việt Nam cũng có những lợi thế rõ ràng về môi trường đầu tư, về chính sách cởi mở và năng lực của ngành CNTT - TT trong nước. "Ngành CNTT - TT Việt Nam đang vươn mình phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Đây chính là cơ hội vàng để các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cùng đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về CNTT". Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đặc biệt nhấn mạnh tới cộng đồng đầu tư và doanh nghiệp nước bạn lần này.
Việc Tập đoàn VNPT ký biên bản hợp tác (MOU) với Tập đoàn LG và VinaPhone bắt tay cùng Tập đoàn Bigstar Global ngay tại Diễn đàn CNTT&TT Việt Nam - Hàn Quốc, rồi Tổng công ty MobiFone ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Samsung trong lĩnh vực di động cho thấy, cơ hội xúc tiến, mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt sang thị trường Hàn Quốc ngày càng rộng mở. Và ngược lại, niềm tin của giới doanh nghiệp Hàn Quốc, kể cả những Tập đoàn lớn, mang tính chất toàn cầu như LG, Samsung dành cho doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày một mạnh mẽ hơn.
Hỗ trợ Việt Nam về nhân lực, an toàn thông tin
Có thể nói, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua đã liên tục được tăng cường và đẩy mạnh một cách toàn diện. Hai bên luôn duy trì tinh thần “đối tác bền vững” trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; tích cực tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin và kinh nghiệm ở tất cả các cấp độ, từ cơ quan quản lý nhà nước đến hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư CNTT - TT Việt Nam và Nhật Bản |
Tuy vậy, chuyến làm việc song phương lần này còn nâng hoạt động và hợp tác chiến lược giữa Bộ TT&TT Việt Nam với Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản lên một tầm mới, khi nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trong nước đã được "khơi thông", tạo điều kiện để tiếp xúc với Bộ quản lý trọng yếu của Nhật Bản, cũng như tiếp cận ở cấp cao với các doanh nghiệp lớn của nước bạn. Những thỏa thuận đạt được đều được đánh giá là có tính cam kết cao và giá trị hợp tác lớn.
Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản Sanae Takaichi, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực chính phủ điện tử, bưu chính, tần số và phát thanh truyền hình. Ông cam kết Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản trong việc đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng và mong muốn Nhật Bản ưu tiên dành nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cho các dự án về an toàn thông tin tại Việt Nam.
Trước đề nghị này, Bộ trưởng Takaichi cam kết sẽ tiếp tục dành các hỗ trợ đào tạo và sẽ cùng Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp hỗ trợ các dự án về ATTT cho Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong vai trò là nước chủ trì xây dựng kế hoạch tổng thể về ICT của ASEAN đến năm 2020.
Nội dung về ATTT đã được hiện thực hóa ngay bằng Biên bản ghi nhớ giữa Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) với Trung tâm quốc gia về sẵn sàng ứng cứu sự cố và chiến lược không gian mạng Nhật Bản. Theo đó, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về các chính sách liên quan đến an toàn thông tin mạng; các giải pháp đảm bảo hạ tầng thông tin trọng yếu, trao đổi các kinh nghiệm và thực tiễn trong công tác đảm bảo an toàn hạ tầng hệ thống thông tin quan trọng; Hợp tác trong lĩnh vực nâng cao nhận thức an toàn thông tin...
Giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang có sự đầu tư rất mạnh vào thị trường Việt Nam. Hiện tại, Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất và cũng là nhà đầu tư trực tiếp số một. Do đó, việc giới thiệu và thuyết phục được cộng đồng đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường chính sách thông thoáng, cởi mở của Việt Nam - ở cả cấp Trung ương lẫn các địa phương - là một mục tiêu rất quan trọng của chuyến làm việc lần này. Đó cũng là lý do vì sao mà ngoài các Tập đoàn CNTT - TT lớn nhất trong nước, còn có cả 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An và Thái Nguyên và khu công nghiệp Yên Bình tham gia đoàn công tác. Một số nguồn tin cho hay, KCN Yên Bình đã gọi được vốn đầu tư trực tiếp ngay tại Nhật Bản.
Tương tự, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tìm thấy rất nhiều cơ hội để tiếp xúc, trao đổi, làm việc và đặt vấn đề hợp tác với các đối tác Hàn Quốc. Việc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác với Bưu chính Nhật Bản, VNPT đạt được thỏa thuận với NTT East, MobiFone tiếp xúc với NTT R&D và DoCoMo hay KDDI, những nhà mạng lớn nhất của Nhật về 4G/LTE, Học viện Bưu chính - Viễn thông với Đại học Aizu đã cho thấy tiềm năng hợp tác đa dạng, sâu rộng giữa hai nước. Hầu hết các doanh nghiệp công nghệ lớn của Nhật như NEC, Fujitsu, Sony, Panasonic, Canon.... đều đã hiện diện tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay.
T.C