Lên sóng chương trình “Việt Nam đa sắc” tối ngày 18/6 là anh Nguyễn Công Đạt - nghệ nhân trẻ nghề khắc in mộc bản có nhiều năm trong nghề với lòng yêu nghề và tâm huyết bảo tồn di sản đã có những chia sẻ sâu sắc. Anh Đạt mong muốn quảng bá cho mọi người biết đến Thanh Liễu là gốc rễ cuẩ của nghề in mộc bản Việt Nam. Làng nghề truyền thống này có tuổi đời gần 500 năm, kéo dài từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, lưu giữ và in hàng nghìn bộ kinh sách, con dấu.
Tại chương trình “Việt Nam đa sắc”, anh Đạt bộc bạch, anh đã theo đuổi nghề từ năm 2010, đến nay đã được 14 năm, anh yêu thích chữ Hán và những hình họa tiết, luôn say sưa với nghề truyền thống được cha ông truyền lại nên hiện tại anh cùng các bác trong làng đang từng bước khôi phục, bảo tồn lại kỹ thuật của làng nghề.
Sản phẩm khắc in mộc bản Thanh Liễu rất đa dạng và phong phú, từ kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, ấn, triện, tranh thập vật… Làng nghề nổi tiếng với kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo, sắc nét.
Dụng cụ đặc biệt trong nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu là dao ngang. Cán dao sẽ được làm bằng sừng trâu hoặc gỗ lim, gỗ nghiến tiện tròn, xẻ rãnh ở giữa kẹp thân dao, thân dao dài 20 - 25cm. Lưỡi dao được mài cong khuyết hình lưỡi liềm. Để có những nét chữ, nét mác, nét phẩy, nét sổ… họa tiết tinh xảo, đầu mũi dao phải được mài thật sắc. Gần như công đoạn trong khắc mộc bản, khắc tranh, ấn trện đều sử dụng con dao ngang này.
“Trước khi khắc một cuốn kinh hay một bức tranh, chúng tôi cũng cần biên soạn nội dung thông tin, sau đó dán ngược bản giấy vào mặt gỗ. Sau khi dán ngược các tờ giấy ấy lên trên mặt gỗ sẽ dùng một lớp nước thoa lên, đánh bật lớp giấy bên ngoài để phần mực nó in lại trong gỗ. Quy trình đó còn gọi là sang gỗ. Sau đó sẽ vào tiếp quy trình khắc, đùng con dao viết trên gỗ, tạo ra những nét chữ khỏe khoắn, chắc, đúng kĩ thuật”, anh Đạt chia sẻ.
Mỗi tấm mộc bản được coi là “bản gốc của bản gốc”. Vì bản gốc sau khi dán lên gỗ rồi nó sẽ biến mất và trở thành bản gốc trên tấm mộc bản. Mà mỗi một bản gốc nó là bản gốc duy nhất.
Ngoài kỹ thuật khắc, kỹ thuật in cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Giấy in mộc bản là giấy dó, giấy xuyến lăn bằng mực Tàu. Người thợ dán giấy lên bản khắc đã hoàn chỉnh rồi lăn đều tay. Ở mỗi công đoạn, người thợ phải cẩn thận đặt hết tâm trí và sự khéo léo mới đem về thành quả là bản in rõ nét.
Khắc mộc bản gần như là ngồi thiền, có những bản chỉ mất từ 3 - 5 ngày là hoàn thiện nhưng cũng có những bản mất khá nhiều thời gian, tới cả tháng hoặc vài tháng mới xong, tùy vào độ dài ngắn, câu chữ, chủ đề... Cũng có những bản khắc gỗ mà yêu cầu con chữ bé như con kiến, có những chi tiết mảnh đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và thời gian dài mới có thể hoàn thiện.
Không chỉ riêng anh Đạt mà các các nghệ nhân tại thôn Thanh Liễu đang nỗ lực trong việc bảo tồn di sản, giữ gìn và lan tỏa giá trị làng nghề cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại tới bạn bè trong và ngoài nước.
Qua phóng sự ngắn này, ekip “Việt Nam đa sắc” đã mang đến cho khán giả những góc nhìn chân thật về sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của người nghệ nhân in khắc mộc bản truyền thống thôn Thanh Liễu cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống này.
Thông qua chương trình “Việt Nam đa sắc”, khán giả có cơ hội khám phá thêm nhiều nét đẹp văn hóa Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc ở các lĩnh vực khác nhau. Mỗi lĩnh vực đều có những sản phẩm văn hóa đặc trưng, mang màu sắc riêng biệt, thể hiện được hồn cốt của mỗi vùng miền. Tất cả tạo nên một bức tranh Việt Nam đa sắc, muôn màu muôn vẻ, thu hút người dân trong và ngoài nước cùng nhau chiêm ngưỡng, khám phá.
Đón xem chương trình “Việt Nam đa sắc” được phát sóng vào 21h35 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3.:
YouTube: https://www.youtube.com/@TVAdTV
Sau 2 năm ra mắt cùng hơn 490 số phát sóng, chương trình “Việt Nam đa sắc” đã trở thành điểm hẹn quen thuộc với khán giả kênh VTV3. Ê kíp sản xuất chương trình luôn bám sát dòng chảy có tính thời sự, với nhiều mảng đề tài của lĩnh vực văn hóa khác nhau như: câu chuyện về các nghệ nhân và sự phát triển nghề truyền thống, những người bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị nghệ thuật dân tộc, văn học, nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình, thời trang... Với đề tài đa dạng, tỉ mỉ và trau chuốt trong cách thể hiện, chương trình Việt Nam đa sắc góp phần tôn vinh sự đa dạng và nét đẹp văn hóa của đất nước, tạo một điểm nhấn trong các chương trình phát sóng trên kênh VTV3, Đài THVN. |
Bích Đào