Hội thảo đào tạo, tập huấn triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các tổ chức, cơ quan nhà nước khu vực miền Trung, Tây Nguyên vừa được VNNIC tổ chức tại TP.Đà Nẵng (Ảnh VNNIC cung cấp). |
Trong 3 ngày từ 27-29/3/2019, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức Hội thảo đào tạo, tập huấn triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các tổ chức, cơ quan nhà nước khu vực miền Trung, Tây Nguyên, với sự tham dự của lãnh đạo, chuyên viên các Sở TT&TT khu vực miền Trung, Tây Nguyên cùng các đơn vị phụ trách về CNTT tại TP.Đà Nẵng.
Trong đó, chương trình đào tạo, tập huấn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên diễn ra trong hai ngày 27/3 và 28/3/2019 dành cho các cán bộ làm công tác quản lý, vận hành hệ thống CNTT của các Sở, các Trung tâm CNTT trên địa bàn.
Chương trình đào tạo, tập huấn đã cung cấp các kiến thức cơ bản, các tình huống chọn lọc đã được triển khai, áp dụng thành công trên thực tế trong quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ hoàn chỉnh trên nền tảng công nghệ IPv6. Qua đó, các học viên có thể áp dụng để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình.
Bên cạnh việc tổ chức khóa đào tạo cho các cán bộ trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống CNTT của các cơ quan trên địa bàn, Hội thảo về kế hoạch, giải pháp chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan nhà nước đã được Ban công tác tổ chức vào sáng 29/3, nhằm tạo cơ hội trao đổi, thảo luận về triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Ông Trần Minh Tân - Giám đốc VNNIC, Phó Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cập nhật thông tin về kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam (Ảnh VNNIC cung cấp) |
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã cập nhật thông tin về kết quả triển khai ứng dụng IPv6 tại Việt Nam. Cụ thể, tính đến 26/3/2019, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đạt trên 31% với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6; xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Malaysia), xếp thứ 6 châu Á-Thái Bình Dương và xếp thứ 11 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6.
Ông Tân cũng cho biết, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng thể “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019” theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, việc triển khai IPv6 trong mạng lưới, ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 để đảm bảo phát triển bền vững mạng Internet Việt Nam nói chung cũng như phát triển hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Theo VNNIC, tính đến ngày 26/3/2019, Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Malaysia), xếp thứ 6 châu Á-Thái Bình Dương và xếp thứ 11 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6. (Ảnh minh họa: Internet) |
Tại hội thảo, đại diện Cục Bưu điện Trung ương đã thông tin cụ thể về giải pháp, cách thức xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang IPv6 cho mạng lưới chuyên dùng các cơ quan nhà nước.
Theo chia sẻ của các đại diện Sở TT&TT tại địa bàn (TP.Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Khánh Hòa…), việc ứng dụng triển khai IPv6, quy hoạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cũng như xây dựng thành phố thông minh trong tương lai tại Việt Nam.
Riêng tại TP.Đà Nẵng, theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Lê Sơn Phong, Sở đã hoàn thành giai đoạn kết nối, thử nghiệm trong 10 bước chuyển đổi IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của Thành phố.
Qua chương trình làm việc, đại diện các Sở TT&TT trên địa bàn đã thống nhất đẩy mạnh công tác chuyển đổi ứng dụng IPv6 nói riêng và phối hợp với Thường trực Ban công tác trong một số hoạt động thúc đẩy sự phát triển Internet tại Việt Nam nói chung, như: Khuyến khích các đơn vị sử dụng vùng địa chỉ IPv4, IPv6 và số hiệu mạng (ANS) độc lập, triển khai mạng có kết nối đa hướng để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi IPv6 trên địa bàn; Xây dựng đề án triển khai IPv6 phù hợp với định hướng, chủ trương, nhu cầu phát triển CNTT của địa bàn và đưa IPv6 vào kế hoạch ứng dụng CNTT của địa phương; Thúc đẩy kết nối và hiệu quả của hệ thống Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX cũng như xây dựng hạ tầng Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy, bắt kịp xu thế thế giới…