Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp tại Việt Nam.
Sau 6 tháng, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại đã tăng 4 lần so với tháng 1/2022 (tháng đầu tiên triển khai), với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 20%.
Theo Bộ TT&TT, tổng số tài khoản Mobile Money đang hoạt động (có phát sinh ít nhất một giao dịch trong vòng 6 tháng) đến cuối tháng 6/2022 là 1,7 triệu tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Lượng người dùng Mobile Money ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.
Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dịch vụ Mobile Money đã giúp mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.
Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money nhìn chung được đảm bảo, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ Mobile Money đã tạo được niềm tin cho khách hàng và mở rộng việc tiếp cận dịch vụ tài chính tới nhóm khách hàng mới chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận hạ tầng thanh toán, mạng lưới ngân hàng.
Để dịch vụ Mobile Money phát triển hơn trong thời gian tới, Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp tập trung phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi dịch vụ.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây tại một số địa phương trên cả nước cũng xuất hiện các khu Chợ 4.0. Đây là mô hình khu chợ số với hạt nhân là Mobile Money. Thay vì sử dụng tiền mặt, người dùng di động có thể quét mã QR hoặc thanh toán thông qua hình thức USSD ngay cả với những giao dịch nhỏ nhất như uống một cốc trà đá.
Trọng Đạt