Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Tuần Việt Nam giới thiệu loạt bài liên quan đến sự kiện lịch sử đầy hào hùng này.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi gặp lại những người Mỹ đã tham dự Hội nghị Paris năm 1973, hai năm trước ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 trong những dịp ông đến Liên hợp quốc hoặc thăm Mỹ khi còn đương nhiệm.

Ông kể, khi nhìn thấy ông từ xa, họ đã chạy tới bắt tay vồn vã và hỏi thăm những người của phía ta đã thăm dự Hội nghị, ai còn, ai mất. Đại Sứ Négroponté gặp ông đã bày tỏ cảm tình với nhiều thành viên Đoàn ta.

“Qua tiếp xúc với những người như Đại sứ Négroponté, tôi thấy trong ánh mắt của họ sự thân thiện và hy vọng cho sự phát triển nhiều mặt của mối quan hệ hai nước”, ông kể lại trong bài viết cho Tọa đàm khoa học “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng mùa xuân năm 1975: Vai trò của mặt trận ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30/4”.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lặp lại hòa bình ở Việt Nam được ký tại Paris cách đây 47 năm. Đó là cuộc đàm phán kéo dài  4 năm 8 tháng 14 ngày, là cuộc thương lượng cam go và dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Hiệp định là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định đưa đến ngày 30/4/1975 toàn thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Dy Niên khẳng định, thời điểm đàm phán Hiệp định Paris đã chính muồi như tinh thần của Bác Hồ căn dặn về “5 điều biết” là “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến hóa”, trong đó biết dừng là khó nhất và Việt Nam đã  biết dừng “đúng lúc đúng chỗ” trên bàn đàm phán.

{keywords}
Chiều ngày 29-4-1975: Kissinger trong phiên họp kinh tế của Tổng Thống Ford để nói với Tổng Thống rằng cuộc di tản khỏi Sài Gòn gần như hoàn tất,

Vào những năm 1964 và 1965 khi Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc, đổ bộ quân vào Miền Nam làm cho nhiều người trong đó có cả bạn bè của ta lo sợ chiến tranh lan ra khu vực và có thể cả thế giới. Họ muốn tìm một giải pháp thương lượng. Có người gặp trực tiếp ta như  U Than, Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ hoặc có nhiều người bắn tin muốn làm trung gian dàn xếp cho ta và Mỹ tiếp xúc… Nhưng ta đều khôn khéo khước từ. Vì nếu đi vào đàm phán không đúng thời điểm, đàm phán non thì đàm phán không thực chất, dễ bị đối phương lợi dụng phục vụ ý đồ kéo dài chiến tranh, hợp thức hóa những hành động leo thang chiến tranh, viện cớ để đổ lỗi cho ta…

Chỉ khi nào ý chí xâm lược của chúng bị lung lay, những hành động leo thang quân sự bị đánh trả, phong trào phản đối chiến tranh bùng phát trên mọi châu lục và ngay cả trong lòng nước Mỹ… thì lúc đó chúng mới chịu ngồi đàm phán thực chất. Và vì vậy, những thắng lợi của chúng ta trên chiến trường ở cả 2 miền đặc biệt là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm rung chuyển nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Paris đã bắt đầu cuộc họp từ ngày 13/5/1968. Ta đã bước vào đàm phán ít nhất là trong thế cân bằng, nếu không nói là thế thượng phong.

Theo nguyên Bộ trưởng, các học giả Mỹ và thế giới đều cho rằng, suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa nhất là nhân tố con người đã dẫn đến thất bại của Mỹ. Mỹ không hiểu hoặc hiểu không thấu đáo về lịch sử văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam và nhất là người Cộng sản Việt Nam. Không chỉ người Mỹ mà nhiều người khác cũng chưa hiểu thấu đáo về điều này.

Henry Kissinger, mãi đến khi sang thăm Hà Nội tháng 3/1973, đến thăm  đền Ngọc Sơn, nhìn thấy 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt khắc trên đền: “Nam quốc sơn hà nam đế cư …”, mới thốt lên rằng: đây chính là Điều 1 trong Chương I của Hiệp định Paris : “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Đến đây ông ta mới thấm hiểu hết ý lý do vì sao mà Lê Đức Thọ đã nhắc lại nhiều lần trong đàm phán câu trả lời khi bàn về quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam.

Ngay cả sau khi ký tắt Hiệp định, Kissinger vẫn còn cay cú và nói với Lê Đức Thọ: Hiệp định đã ký tắt rồi, không ai còn thay đổi được nữa. Bây giờ tôi chỉ xin hỏi ông một câu và yêu cầu ông chỉ trả lời Yes (có) hay No (không). Câu hỏi là: Có quân đội của miền Bắc ở miền Nam Việt Nam không? Lê Đức Thọ không ngần ngại nhắc lại câu trả lời như trên. Kissinger thất vọng giơ hai tay đứng dậy lắc đầu.

Ông Dy Niên kể, khi Hiệp định được ký kết, các bên tham gia đều thấy khả năng thi hành Hiệp định là rất ít. Vì thế thắng đã nằm trong tầm tay ta rồi. Mỹ đã “can đảm trong cay đắng” để ký Hiệp định vì đó chính là chính là cái cầu để Mỹ rút lui trong “danh dự”. Chính quyền Sài Gòn không còn lựa chọn nào khác buộc phải ký trong tâm trạng hoang mang trước số phận mong manh của họ vì đã nhìn thấy Mỹ đang bỏ rơi họ.

Việc ngừng bắn trên toàn Miền Nam bắt đầu từ ngày 25/1/1973 và việc quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam được thực hiện như quy định của Hiệp định. Ngày 29/3/1973 người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Miền Nam báo hiệu cho sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn.

Ông kể, một vấn đề lớn đặt ra cho ta là liệu Mỹ có quay lại miền Nam để cứu chính quyền Sài Gòn không? Qua phân tích tất cả các yếu tố thì câu trả lời là Không. Tuy vậy ta vẫn phải chuẩn bị cho khả năng xấu nhất. Sau một loạt “thăm dò” bằng những cuộc tấn công quân sự của ta và nhất là sau chiến dịch Tây Nguyên và Huế và khi xem truyền hình CNN trông thấy Tổng Thống Mỹ Gerald Ford chạy như một vận động viên điền kinh để tránh sự truy lùng của các phóng viên sau sự sụp đổ của Tây Nguyên thì điều đó là khẳng định. Vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết định tập trung hầu như toàn bộ lực lượng chủ lực của ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa đến thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến nay, sau 47 năm nhìn lại, những gì cay đắng cho sai lầm đã qua, người Mỹ thật “dũng cảm” khi ký Hiệp định để chấm dứt mọi sự can thiệp vào Miền Nam Việt và “đứng nhìn” sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. “Đó là thái độ dứt khoát của họ, mà tôi đánh giá cao”, ông bày tỏ.

Ông nhận xét, chống đối của Mỹ sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975 là điều dễ hiểu, nhưng vấn đề quan trọng là dòng chảy lịch sử của mối quan hệ quốc tế đã đưa họ đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1995 và 18 năm sau (2013) Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam. Từ thù địch trở thành bạn bè là cả một quá trình gian khổ nhưng ở đây tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau mới là điều quan trọng. Hai nước Việt - Mỹ đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Tổng thống Mỹ tại Phòng Oval ở Nhà Trắng và nhiều lần Việt Nam đã đón tiếp Tổng thống Mỹ sang thăm.

Mỹ hiện nay là nước thu hút nhiều nhất sinh viên Việt Nam sang học và là đối tác thương mại, kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa để hồi tưởng lại ký ức để giờ những giọt nước mắt ân hận để rồi có những cái bắt tay nồng ấm với “cựu thù” ở quá khứ và xua đi những gì đen tối còn rơi rớt lại để hướng tới tương lai trong quan hệ bang giao giữa hai dân tộc.

Ông viết: “Mọi người hãy nhớ lại những bức điện Bác Hồ đã gửi cho Tổng thống Mỹ vào những năm 1946-1947 để thấy rằng Người là nhà tiên tri thiên tài, Người mới thực sự là Đấng kiến tạo quan hệ Việt - Mỹ ngày nay”.

Tư Giang - Lan Anh lược thuật

Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, có 4 nhân tố thắng lợi và 5 bài học từ chiến thắng 30/4/1975.

Bốn nhân tố thắng lợi là:

- Đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và bản lĩnh tuyệt vời của các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng.

- Mở cục diện vừa đánh vừa đàm.

- Hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và nhất là ngay trong lòng nước Mỹ.

- Nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.

Năm bài học là:

- Độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế.

- Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị - quân sự - ngoại giao.

- Ngoại giao là một mặt trận để huy động mọi lực lượng trong và ngoài nước.

- Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là thắng lợi.

- Nhân tố con người, lịch sử và văn hóa.

 

Mở lòng bao dung, hòa giải để đoàn kết, hòa hợp dân tộc

Mở lòng bao dung, hòa giải để đoàn kết, hòa hợp dân tộc

 - Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì mục tiêu quốc thái dân an, đòi hỏi đất nước không chỉ thống nhất về giang sơn lãnh thổ mà phải thống nhất về lòng người.