Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu bế mạc ITU Digital World 2021 (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) là tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc được thành lập ngày 17/5/1947. ITU hiện có 193 quốc gia thành viên, hơn 700 thành viên lĩnh vực và thành viên liên kết là các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và các tổ chức khu vực, quốc tế khác.
ITU là tổ chức có sứ mệnh giữ vững và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hữu tuyến, vô tuyến, cáp quang, vệ tinh... của tất cả các nước thành viên nhằm hoàn thiện việc sử dụng viễn thông một cách hiệu quả nhất.
Trong năm qua, ITU khuyến khích và trợ giúp kỹ thuật cũng như các nguồn tài trợ cho những nước đang phát triển trong lĩnh vực viễn thông.
ITU có nhiệm vụ tăng cường sử dụng dịch vụ viễn thông với mục đích thúc đẩy hoà bình thế giới. Bên cạnh đó, ITU còn đóng vai trò phân bổ và quản lý tần số vô tuyến điện cũng như những vị trí liên quan đến quỹ đạo của các vệ tinh địa tĩnh để tránh nhiễu giữa các trạm thông tin vô tuyến của nhiều nước khác nhau. ITU cũng tạo lập tiêu chuẩn viễn thông thế giới nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông.
Ngoài ra, ITU còn khuyến khích sự cộng tác giữa các thành viên cho cước phí dịch vụ giảm xuống thấp nhất, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; quản lý tài chính viễn thông công khai, độc lập và thống nhất toàn cầu để sử dụng các dịch vụ viễn thông trong việc cứu hộ con người và vật chất khi cần thiết.
Việt Nam đã thể hiện được vai trò trong ITU
Từ năm 1975 đến nay, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đại diện hợp pháp duy nhất của nước Việt Nam thống nhất tham gia vào Liên minh Viễn thông Quốc tế. Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò của mình trong ITU.
Năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất đổi tên thành ITU Digital World (Thế giới công nghệ thông tin truyền thông). Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU chia sẻ rằng: “Lâu nay chúng ta nói về viễn thông vẫn là hình ảnh cũ kỹ về chiếc điện thoại cố định, nhưng khi nói đến lĩnh vực ICT là nói đến sự phát triển mới mẻ của các doanh nghiệp công nghệ và ứng dụng. Đây cũng là xu hướng phát triển trên toàn cầu. Năm 2019, sự kiện được tổ chức tại Hungari và chúng tôi vẫn gọi là sự kiện viễn thông thế giới ITU Telecom World. Việc đổi tên thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông”.
Trong buổi tiếp Tổng Thư ký ITU ngày 15/10/2021, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất một số sáng kiến với Tổng thư ký ITU. Cụ thể là mỗi quốc gia thành viên ITU nhận lấy 1 sáng kiến (của chính quốc gia đó hoặc theo gợi ý của ITU) và thực hiện bằng nguồn lực của mình. Khi thành công thì ITU sẽ phổ biến ra toàn cầu. Như vậy, ITU sẽ huy động được thêm nguồn lực của 193 quốc gia.
Lãnh đạo Bộ TT&TT nêu ví dụ, Việt Nam đang thực hiện giải pháp thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm. Việt Nam dự định thực hiện sáng kiến này vào năm 2022 và nếu thành công sẽ chia sẻ với ITU. Một sáng kiến nữa được người đứng đầu Bộ TT&TT đề xuất là lịch trình dự kiến tắt sóng 2G vào năm 2023. Theo ước tính, vào đầu 2023 số lượng các khách hàng dùng thiết bị cầm tay 2G ở vào dưới 5%. Chính phủ và các nhà mạng sẽ mua thiết bị 4G thay thế cho 5% người dân đang dùng 2G. Cũng tại buổi tiếp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất đổi tên ITU thành IDU (Liên minh số thế giới).
Tổng thư ký ITU Houlin Zhao đánh giá cao các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam. |
Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng thư ký ITU đánh giá cao các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam. Chẳng hạn như đề xuất mỗi quốc gia ITU thực hiện một sáng kiến hay chiến lược các nhà mạng chia sẻ hạ tầng để giảm bớt chi phí đầu tư phủ sóng 5G. “Chúng tôi háo hức chờ đợi các thành quả để Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các nước thành viên”, ông Houlin Zhao nói.
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia, chủ trì nhiều nhóm công tác của ITU. Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện được bầu là Thành viên của Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến (nhiệm kỳ 2014-2018 và 2018-2022). Bộ TT&TT cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động của ITU như: Hội nghị Tiêu chuẩn Toàn cầu năm 2008, nhóm công tác toàn thể về Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa của Hội nghị Tiêu chuẩn hóa Viễn thông thế giới năm 2008, nhóm tư vấn phát triển và Nhóm nghiên cứu số 1 của ITU-D, nhóm nghiên cứu số 5 về dịch vụ mặt đất của ITU-R, nhóm công tác của khu vực về vấn đề của các nước đang phát triển chuẩn bị cho Hội nghị toàn quyền ITU, nhóm công tác của khu vực về chương trình hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Phát triển Viễn thông thế giới 2017, Ủy ban số 3 về phương pháp làm việc của Hội nghị Tiêu chuẩn hóa Viễn thông thế giới, nhóm nghiên cứu số 11 về tiêu chuẩn của ITU,…
Từ thực tiễn của một nước đang phát triển, Việt Nam đã đưa ra một số ý tưởng, sáng kiến và sau đó trở thành một nghị quyết của Hội nghị toàn quyền ITU. Điển hình là Nghị quyết 123 về Thu hẹp khoảng cách tiêu chuẩn hóa viễn thông giữa các nước đang phát triển và nước phát triển - đến nay đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cho các nước đang phát triển và được nhiều nước đánh giá cao.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực và ngày càng sâu vào việc đóng góp nội dung, xây dựng chính sách chiến lược ITU, cải cách cơ cấu tổ chức nhằm bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển; tham gia chuyên sâu vào việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các lĩnh vực quản lý và kỹ thuật của ITU (thông tin vô tuyến, tiêu chuẩn hóa viễn thông, phát triển viễn thông). Chính điều này làm cho vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và góp phần đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, năng lực cán bộ.
Mặt khác, mục tiêu tham gia ITU trong thời gian tới là khuyến khích khối doanh nghiệp tham gia hoạt động của ITU; tạo ra một đội ngũ cán bộ trẻ, có khả năng tham gia liên tục những hoạt động đó và bước đến một tầm cao hơn là ứng cử vào các chức vụ trong ITU như: Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến, Chủ tịch các Nhóm nghiên cứu, các Nhóm tư vấn và các vị trí lãnh đạo khác. Đây cũng là dịp đưa một số cán bộ vào làm việc trong các tổ chức quốc tế để nắm thông tin và tăng cường hội nhập.
ITU đã hỗ trợ gì cho Việt Nam?
ITU đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt là xây dựng chính sách quản lý và đào tạo nâng cao năng lực. Trong giai đoạn mới mở cửa, sự hỗ trợ của ITU đặc biệt có ý nghĩa giúp cho Việt Nam có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm để phát triển ngành viễn thông, cụ thể là ITU đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc hỗ trợ xây dựng một số dự án lớn như: Dự án VIE 85/019 (1989÷1991) về việc củng cố và trang bị mạng thông tin chống bão lụt cho tỉnh Bình Trị Thiên; Dự án VIE 86/047 (1989÷1993) về nâng cấp phòng thí nghiệm kỹ thuật số cho Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (VNPT); Dự án VIE 89/006 đánh giá tổng thể mạng viễn thông Việt Nam và dự án xây dựng các Trung tâm viễn thông cộng đồng đa mục tiêu tại Đắc Lắc, Bắc Giang và Bắc Ninh.
ITU đã giúp Việt Nam thực hiện một số dự án như: dự án thử nghiệm viễn thông cộng đồng đa mục tiêu nhằm phát triển viễn thông cộng đồng góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân vùng sâu, vùng xa; dự án “Phác thảo chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020”, đào tạo chuyên gia Việt Nam để triển khai chương trình lập kế hoạch mạng viễn thông PLANITU và khoá đào tạo, hội thảo về chính sách phát triển viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán quốc tế.
Liên minh ITU còn cử nhiều chuyên gia sang giúp Việt Nam về tư vấn lập kế hoạch và chính sách viễn thông; hỗ trợ đắc lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực qua việc cấp học bổng cho cán bộ Việt Nam tham gia các khoá học nâng cao trình độ nghiệp vụ về quản lý, kỹ thuật và kỹ năng khai thác.
Nguyễn Thái
Sáng kiến ITU Digital World của Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của công nghệ số
Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU nói rằng, việc đổi tên thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông.