Như vậy đến nay cả nước đã có 3 bệnh viện ung bướu tuyến cuối gồm: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Trao quyết định công nhận ngày 2/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Hà Nội song song với hoạt động chuyên môn, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, cần tích cực tham gia chỉ đạo tuyến trong khám, chữa bệnh chuyên khoa ung bướu, trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực ung bướu của cả nước, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (phải) trao quyết định cho Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
TS.BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, sau 20 năm phát triển, bệnh viện hiện có quy mô 600 giường bệnh và gần 600, cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên những năm gần đây, số lượt khám và điều trị đều tăng, trong đó bệnh nhân nội trú đã tăng gấp hơn 2 lần, do đó bệnh viện đang hoàn thiện đề án mở rộng, nâng cấp bệnh viện trong giai đoạn 2020-2030 với quy mô giường bệnh gấp 2-3 lần hiện tại.
Hiện tại mỗi năm, BV Ung bướu Hà Nội đang thực hiện khoảng 8.000 ca phẫu thuật, điều trị nội trú hơn 55.000 lượt bệnh nhân.
Bệnh viện cũng đã triển khai chỉ đạo tuyến tới 75 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã ở Hà Nội; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 5.000 cán bộ y tế tuyến dưới. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tiếp nhận đào tạo, hỗ trợ chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu cho cán bộ của các cơ sở y tế tại một số tỉnh thành trên cả nước.
Thúy Hạnh
Bỏ qua triệu chứng vặt, người phụ nữ mắc ung thư giai đoạn cuối
Bệnh nhân Trung Quốc thấy vẫn khỏe mạnh nên không đi khám dù ho kéo dài tới 6 tháng.