Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới. Nhưng với những cam kết tại COP26, Việt Nam phải trở thành một “công xưởng xanh”, một trung tâm sản xuất xanh của thế giới.
Nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện do Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä thực hiện đã cho thấy các hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, được hỗ trợ bởi các động cơ ICE linh hoạt và các hệ thống pin tích trữ năng lượng có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Net zero (phát thải ròng bằng “0”) vào giữa thế kỷ 21 này, đồng thời giảm 20% chi phí sản xuất điện (LCOE) khi tính đến các khoản thuế các-bon trong tương lai.
Theo bản báo cáo Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á vừa được công bố hồi giữa tuần này, kết quả của nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt đến từ các động cơ ICE và hệ thống pin tích trữ năng lượng có thể đáp ứng tin cậy sự gia tăng nhu cầu điện mạnh mẽ của Việt Nam, vốn đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập kỷ qua - nhanh hơn tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Wärtsilä đã mô phỏng bốn kịch bản cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam đến năm 2050. Kịch bản đầu tiên là kịch bản thông thường (BAU) - không giới hạn mức phát thải từ ngành điện.
Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ phát thải 320 triệu tấn các-bon vào năm 2050, tăng gấp ba lần so với năm 2020, và việc đạt mục tiêu Net zero là không khả thi.
Nghiên cứu cũng mô phỏng Kịch bản giảm phát thải 50% - kịch bản này yêu cầu giảm 50% lượng phát thải vào năm 2050 so với kịch bản BAU. Kịch bản giảm phát thải 80% yêu cầu giảm 80% lượng phát thải vào năm 2050 so với kịch bản BAU.
Và cuối cùng, kịch bản Net zero - hệ thống điện không phát thải vào năm 2050.
Các kịch bản được mô phỏng đều thống nhất rằng tính linh hoạt, dưới dạng động cơ ICE và pin tích trữ năng lượng, là chìa khóa giúp cho năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chính. Tất cả các kịch bản đều đề xuất bổ sung 7 GW công suất nguồn điện linh hoạt ICE vào năm 2030 để hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải vào các giờ cao điểm. Để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần lắp đặt tổng cộng 87 GW công suất nguồn điện ICE để cân bằng hệ thống.