Chiều 28/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức Hội thảo “Logistics xanh – Từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất, xuất khẩu thực phẩm”.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, logistics đóng góp vào sự phát triển của kinh tế quốc gia thông qua việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá và quản lý chuỗi cung ứng. Năm 2023, áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái của các nền kinh tế lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy… đang tác động mạnh tới tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động logistics.
Là người có 15 năm trực tiếp điều hành đội xe vận tải, bà Diệp Nguyễn, CEO Công ty CP GreenSys đánh giá, chi phí vận tải tại Việt Nam hiện quá cao và chất lượng dịch vụ không đồng nhất với chi phí bỏ ra. Đây là “nỗi đau” cho cả chủ doanh nghiệp vận tải và khách hàng đối tác.
Tiến sỹ Tôn Thất Tú, chuyên gia logistics dẫn chứng số liệu, tổng số đầu xe vận tải đường bộ của Việt Nam là khoảng 1,5 triệu xe, nhiều hơn số đầu xe tại Thái Lan nhưng sản lượng hàng hoá vận chuyển được chỉ bằng 50% nước bạn.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng chung của ngành logistics tại Việt Nam năm 2023 giảm so với năm 2018 (giảm từ hạng 39 xuống 43 trên tổng số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ được thống kê).
Ông Tú chỉ ra các mặt hạn chế của ngành logistics Việt Nam đó là:
Một, ngành logistics phân mảnh với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động độc lập. Các doanh nghiệp thiếu sự phối hợp và tiêu chuẩn hóa trong các dịch vụ logistics. Từ đó, dẫn tới kém hiệu quả và tăng chi phí.
Hai, nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam thiếu năng lực công nghệ và chuyên môn cần thiết để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, quản lý tồn kho kém, chậm giao hàng…
Ba, dù Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng, nhưng còn nhiều nơi hạ tầng không đủ hoặc cần cải thiện thêm. Ví dụ, mạng lưới đường bộ và đường sắt ở một số khu vực không đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành logistics đang phát triển.
Để cải thiện vận tải hàng hóa trong nước, vị chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng biển để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trên toàn quốc. Quá trình này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể để xây dựng mới cơ sở hạ tầng và nâng cấp cơ sở hiện có.
Ở góc độ này, Chính phủ có thể thiết lập đối tác với các doanh nghiệp tư nhân để thêm nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ vận tải hàng hóa, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân còn bị giới hạn.
Cũng theo Tiến sỹ Tú, đơn giản hóa quy định, giảm thủ tục hành chính cũng sẽ khuyến khích sự cạnh tranh và đổi mới trong ngành logistics. Cùng với đó, Chính phủ nên khuyến khích áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa kho, hệ thống quản lý vận tải và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI). Điều này giúp cải thiện hiệu quả, độ chính xác của hoạt động vận tải hàng hóa nội địa.