Cơ quan thống kê quốc gia cho hay, từ năm 2009-2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định.
Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, năm 2023-2024, mức sinh bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ).
Trong đó, TPHCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Giang có mức sinh cao nhất cả nước (2,69 con/phụ nữ).
Theo Tổng cục Thống kê, đây là những dấu hiệu cho thấy mức sinh đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ.
Do vậy, nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, có thể nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển.
Theo một số nghiên cứu của Liên hợp quốc, cơ cấu dân số của một quốc gia được coi là trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng khi nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 30% và nhóm dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm tỷ trọng thấp hơn 15%.
Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, khi cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số và là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014.
Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.
"Vấn đề già hóa dân số gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn, làm giảm lực lượng và năng suất lao động, đòi hỏi đầu tư, chi tiêu xã hội nhiều hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, kết cấu hạ tầng và những vấn đề về xã hội cho người cao tuổi", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa.
Một trong những giải pháp được Tổng cục Thống kê khuyến nghị là khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giảm thiểu thất nghiệp, góp phần giảm tỷ số phụ thuộc chung bao gồm cả phụ thuộc già.
"Đổi mới trong xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút hiệu quả lực lượng lao động trong độ tuổi nghỉ hưu…, chú trọng phát triển các chính sách tạo việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi.
Thực tế, có nhiều trường hợp người cao tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 60-75, vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội", theo Tổng cục Thống kê.