Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14/12.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về những đóng góp của ngành Ngoại giao vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam thời gian qua cũng như đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ngoại giao góp phần xây dựng cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế Việt Nam

Trong công cuộc đổi mới, ngành Ngoại giao cùng với các cơ quan, lực lượng đối ngoại đã đạt những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật về đối ngoại, góp phần vào xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay.

Bộ trưởng cho biết, thông qua thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngành Ngoại giao đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu.

{keywords}
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kiều bào. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trên cơ sở đó, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia.

Tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để huy động được các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng nêu: "Ngành Ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước chủ trương tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và đến nay đã ký 15 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới. Cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh xúc tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, du lịch…"

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã huy động nguồn lực to lớn của kiều bào ta cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, đã tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị.

Trong thời bình, ngoại giao đã đi đầu tạo lập và củng cố môi trường hoà bình, ổn định, đồng thời cùng quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Việt Nam chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhờ đó không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế. Tư lệnh ngành Ngoại giao điểm lại thành công của nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên,…

Về Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, Bộ trưởng cho biết, đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc đang đổi mới thành công, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản của đất nước là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân

Đại hội XIII của Đảng đề ra tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước đến giữa thế 21, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Ngoại giao sẽ đề ra kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thiết thực về triển khai công tác đối ngoại nhằm góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phạm Hải

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại. Trong đó, trọng tâm là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công…

Kết hợp chặt chẽ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các cam kết, thỏa thuận quốc tế, trong đó các FTA đã ký, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trước mắt, ngành Ngoại giao cùng các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao với đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và KT-XH nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cần quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh. Trong đó, điều cốt yếu là xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Trần Thường

Hòa bình, hạnh phúc, ấm no - Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!

Hòa bình, hạnh phúc, ấm no - Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.