Hiện Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay một số địa phương đang triển khai xây dựng các nhà máy điện rác với quy mô khác nhau. Đây là hướng đi đúng trong lộ trình phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải và tận dụng được tiềm năng của rác thải sau quá trình phân loại, xử lý.

Đơn cử tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành 2 nhà máy điện rác với tổng công suất 112 MW tại Sóc Sơn và Xuân Sơn (Sơn Tây), qua đó cơ bản xử lý được toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của nội thành Thủ đô với khoảng 7.000 tấn/ngày, thay vì đa phần phải xử lý bằng chôn lấp ô nhiễm như trước đây.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chậm tiến độ, Nhà máy Sóc Sơn - nhà máy điện rác (waste-to-energy) đầu tiên của Hà Nội (được chấp thuận đầu tư từ cuối năm 2017, khởi công năm 2019 và hoàn thành năm 2022), trên diện tích 17,51 ha trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn với tổng vốn đầu tư là 7.000 tỷ VND. Với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác ướt).

16 nha may dien rac.jpg
Nhà máy điện rác Sóc Sơn có khả năng tiếp nhận và xử lý từ 4.000 đến 5.000 tấn/ngày-đêm, công suất phát điện tối đa đạt 90MW. 

Sau khi đi vào hoạt động giai đoạn 1, Nhà máy điện rác Sóc Sơn cho công suất điện 75 MW, đồng thời là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến của Trung Quốc đốt 5.600 tấn rác khô mỗi ngày và công suất điện là 165 MW. Cụ thể, ngày 27/11/2023, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã vận hành cả 3 giai đoạn với 5 lò đốt rác, tổng lượng rác tiếp nhận và xử lý vào nhà máy từ 4.000 đến 5.000 tấn/ngày-đêm, công suất phát điện tối đa đạt 90MW

Đáng mừng nhất của Nhà máy điện rác Sóc Sơn là 3 dây truyền xử lý nước rác cũng đồng thời được vận hành (với công suất 580 tấn rác/dây truyền/ngày) cùng với nhà máy điện rác, theo đó đã cơ bản tạo được chuỗi khéo kín trong quá trình phân loại, xử lý, tái chế rác thải của Thủ đô. Theo đó, nhà máy có thể tiếp nhận được 450 đến 500 xe rác mỗi ngày khi hoạt động hết công suất.

Trước đó, tháng 3/2022, Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng đã được khởi công với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Nhà máy được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, công suất tiêu thụ rác 1.500 - 2.000 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37 MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng. Tính đến tháng 12/2023, về cơ bản nhà máy đã hoàn thành hơn 95% nhưng do nhiều lí do nên chưa được đưa vào vận hành.

Cũng giống Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Nhà máy điện rác Seraphin do Tập đoàn Amaccao đầu tư, sử dụng công nghệ châu Âu để đốt rác, tận thu nhiệt phát điện với chỉ tiêu khí thải, khói thải sau đốt đạt tiêu chuẩn EU 2010/75/EC, nghĩa là như khí trời tự nhiên; không thải nước, không phát tán bụi, tiếng ồn, mùi... ra môi trường bên ngoài. “Khi cả 2 nhà máy điện rác Sóc Sơn và Xuân Sơn cùng hoạt động sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở TP Hà Nội hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày, thay vì được xử lý bằng chôn lấp như trước”, TS Hoàng Văn Thức tin tưởng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Định, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho rằng, mô hình nhà máy điện rác đang trở thành xu thế của thế giới trong phân loại, tái chế rác thải. Nhiều nước giờ đây không chỉ xuất khẩu rác thải sang các nước mà đã quay trở lại nhập rác thải (ví dụ như Thụy Điển) để xử lý và coi đây là tài nguyên.

“Ở Việt Nam, các dự án nhà máy điện rác (công nghệ đốt rác phát điện) sẽ giúp người dân xung quanh các khu xử lý rác thải có cuộc sống trong lành hơn, bởi rác thải đã được xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước như trước”, ông Định tự tin.

Được biết, nhiều địa phương cũng đang đẩy nhanh xúc tiến triển khai xây dựng Nhà máy điện rác như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Dương… Theo ông Định, xu hướng các bãi rác tập trung đi kèm một nhà máy điện rác ở mỗi tỉnh thành sẽ là một trong những tiêu chí “cứng” trong quy hoạch các tỉnh thành giai đoạn sắp tới.

Thúy An và nhóm PV, BTV