30% diện tích đất liền, biển đảo cần bảo tồn
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển “Khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên” (OECM) tại Việt Nam.
Theo các nhà khoa học, OECM được hiểu là một khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là Khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học tại chỗ. OECM có các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương.
Tại nhiều nước, khái niệm OECM đã được công nhận và quản lý thì ở Việt Nam, vấn đề này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECM như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo. Về mặt tổng quan, Việt Nam có rất nhiều khu thuộc dạng OECM và chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu để lập quy hoạch bảo vệ và khai thác theo thông lệ quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal kêu gọi thế giới đạt được mục tiêu đến năm 2030, 30% diện tích đất liền và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECM - hay còn được biết đến là mục tiêu 30x30. Đây cũng là một trong những ưu tiên Chiến lược đa dạng sinh học của Việt Nam.
“Việt Nam là nơi có nhiều khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao như các vùng đất ngập nước quan trọng, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, những khu vực là đối tượng phục hồi hoặc tái thiết lập các chức năng hệ sinh thái tự nhiên... Các khu vực này có cơ hội để công nhận là các OECM”, ông Tài nêu vấn đề. Đồng thời với vai trò là cơ quan giúp chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên… ông Tài cho rằng, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đang đi đúng hướng với các cơ chế về OECM.
Cân bằng lợi ích giữa bảo vệ và phát triển
Dưới góc độ tham vấn, ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN Khu vực Hạ lưu Mekong cho rằng, khác với khu bảo tồn phải có mục tiêu chính là bảo tồn, các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn.
“Thể chế hóa các OECM sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ đa dạng sinh học của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển. Điều này hiện nay còn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các khu bảo tồn. Do đó, khi các OECM trong tương lai tại Việt Nam ra đời thì hành lang pháp lý giữa bảo tồn và khai thác cần được minh định”, ông Jake Brunner góp ý.
Liên hệ với câu chuyện thời sự liên quan tới Vịnh Hạ Long cho dễ hình dung. Mới đây, khi vụ lùm xùm lấn biển tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nổ ra, nhiều người mới để ý đến các khái niệm Khu bảo tồn, Vùng đệm di sản hay Vùng lõi di sản… Câu chuyện về các OECM cũng tương tự như vậy, khi nó sẽ “bám” các khu bảo tồn hoặc những khu vực “nhạy cảm” cần được bảo vệ khẩn cấp. Do đó, những khu vực ven biển, đầm ngập mặn hay các cánh rừng phòng hộ ven biển chính là những khu vực cần khoanh vùng bảo vệ dù nó có thuộc vùng đệm hay không?
Được biết, Việt Nam hiện có 9 nhóm khu vực có tiềm năng được công nhận là OECM bao gồm: rừng phòng hộ tự nhiên; vùng đệm của các khu bảo tồn; rừng sản xuất tự nhiên; khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực có độ đa dạng sinh học cao ngoài khu bảo tồn; hành lang đa dạng sinh học; khu đất ngập nước quan trọng; cảnh quan sinh thái quan trọng; khu du lịch quốc gia. Nếu chỉ tính các khu bảo tồn biển, Việt Nam hiện có 11 khu bảo tồn biển và 6 khu đang lập phương án. Như vậy, số lượng các OECM “ăn theo” cũng khá nhiều.