Điều Việt Nam cần là có một ý chí cải tổ mạnh mẽ, và Việt Nam cũng đang thực hiện cải cách hành chính một cách tích cực. “Hãy làm Chính phủ của các bạn bớt cồng kềnh” – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói tại buổi thuyết trình về kinh nghiệm phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 11/3.

Trong bài phát biểu, bà Victoria đã chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa chính sách công và tăng trưởng. Các nước Đông Á đã sử dụng nhiều chính sách khác nhau để đạt được ba khía cạnh trong tăng trưởng, đó là tích lũy, phân bổ và tăng hiệu suất.

Có được điều này là nhờ thúc đẩy cải cách thể chế và chính sách, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường tích lũy vốn tài sản và vốn con người, và thực hiện tự do hóa.

Các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, HongKong, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…) đã tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế khác trong khu vực trong giai đoạn 1965-1990, thể hiện ở các mặt sau: Tăng trưởng nhanh và bền vững; Giảm bất bình đẳng về thu nhập; Chuyển dịch dân số nhanh;  Cải thiện mạnh mẽ phúc lợi xã hội; Tăng trưởng nông nghiệp và năng suất nông nghiệp tăng nhanh; Tăng trưởng xuất khẩu nhanh;  Đầu tư tư nhân và tiết kiệm trong nước ở mức cao; Vốn nguồn nhân lực tăng nhanh;  Công nghiệp hóa hiệu quả.

{keywords}

Bà đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong tăng trưởng kinh tế, tập trung vào Cách thức Chính phủ thể hiện vai trò của mình như: Chính phủ can thiệp một cách có hệ thống thông qua nhiều kênh khác nhau để thúc đẩy phát triển; Chính phủ sử dụng các chính sách, từ chính sách theo định hướng thị trường đến chỉ đạo của nhà nước.

Và các kết quả đạt được từ những nước này là: Hạn chế thâm hụt ngân sách; kiềm chế lạm phát; ổn định lãi suất.

Để đạt được các kết quả trên, các nước đã thực hiện các biện pháp bao gồm: Tiết kiệm và đầu tư hiệu quả; đầu tư vào vốn nhân lực; sử dụng các chính sách thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc; nâng cao năng lực phục vụ của công chức nhà nước; nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo.

Bà Victoria đã nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò lãnh đạo của Chính phủ, quyết tâm cải cách của Chính phủ. Theo đó, để có được những chính sách công tốt Chính phủ cần phải hiểu rõ về vai trò của mình, định nghĩa rõ ràng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Chính phủ phải biết lắng nghe và đưa ra các quyết sách đúng đắn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hạn chế tối thiểu sự bóp méo bằng cách cung cấp và làm việc với số liệu, dữ liệu chuẩn, đưa ra các minh chứng thật. Ngoài ra, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đối với nguồn nhân sự là vô cùng cần thiết. Đội ngũ làm việc phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sự hiệu biết và năng lực làm việc trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Bà Victoria cũng đánh giá Việt Nam có rất nhiều chính sách tốt, hoạch định chính sách rất tốt (ví dụ một loạt luật quan trọng mà MPI mới ban hành bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật hợp tác công - tư, vv, đây là các Luật được đánh giá rất cao và có giá trị).

Tuy nhiên thách thức mà Việt Nam gặp phải chính là vấn đề về thực thi chính sách. Cái khó của việc thực thi chính sách là sự hợp tác, thống nhất của các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan. Làm thế nào để không có sự chồng chéo hay đối kháng về thủ tục, quy định giữa các cơ quan này. Chính vì thế bà chia sẻ là khi hoạch định cũng như khi thực thi chính sách cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan này.

Đặc biệt, các quy định, thủ tục cần được đơn giản hóa tối đa, tránh sự phức tạp và phiền toái, gây khó hiểu hay khó thực hiện với người thực thi chính sách.

Ngoài ra, khi chính sách được ban hành, cần phải có sự giám sát chặt chẽ việc thực thi, phải có các báo cáo, đánh giá từ các đơn vị liên quan, đặc biệt là phải có những đóng góp ý kiến, phản hồi từ người dân.

Nói tóm lại, việc hoạch định chính sách ở Việt Nam đã tốt rồi, nhưng việc thực thi chính sách cần phải làm tốt hơn nữa. Hãy đơn giản hóa các quy định, thủ tục, và có một cơ chế giám sát việc thực thi thật tốt.

Về vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển các ngành công nghiệp, theo bà Victoria sự lãnh đạo của Chính phủ đối với một số ngành công nghiệp vẫn rất cần thiết. Chính phủ vẫn có vai trò nhất định trong việc hỗ trợ và định hướng các ngành công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh chủ trương và tìm cách giúp đỡ đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác và đối tác giữa khu vực công và khu vực tư. Điểm mấu chốt là làm thế nào để Chính phủ có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa hai khu vực công- tư này một cách hiệu quả nhất.

Giải thích cho tình trạng dịch vụ công kém hiệu quả ở Việt Nam, bà Victoria cũng chia sẻ rằng trong suốt quá trình làm việc ở Việt Nam bà đánh giá Chính phủ Việt Nam có rất nhiều người giỏi, năng lực tốt. Tuy nhiên cơ cấu tổ chức Nhà nước lại quá cồng kềnh, chính vì sự cồng kềnh đó mà Việt Nam không có đủ nguồn tài lực để đầu tư hiểu quả vào phát triển nhân sự, và tiền lương trả cho công chức, viên chức còn quá thấp. Điều này dẫn đến họ không có động lực làm việc, và không có kết quả làm việc hiệu quả như mong muốn.

Bà nhấn mạnh rằng, cải cách hành chính thật sự là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, chứ không chỉ đối với Việt Nam. Bởi để cải cách hành chính hiệu quả khá tốn kém. Vì vậy có lẽ điều Việt Nam cần là có một ý chí cải tổ mạnh mẽ và thúc đẩy tiến trình một cách từ từ, khó có thể nóng vội trong chuyện này, và Việt Nam cũng đang thực hiện cải cách hành chính một cách tích cực. “Hãy làm Chính phủ của các bạn bớt cồng kềnh” – là thông điệp mà bà muốn chia sẻ.

Liên quan đến đề nghị về bình luận thực trạng phân bổ nguồn lực ở Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị, bà cho biết khi nói đến nguồn lực là tập trung đến nguồn lực công và nguồn lực tư. Và Chính phủ nên có vai trò trong cả hai loại nguồn lực này.

Bà nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính, đây là một nguồn lực có thể nói là hạn chế ở Việt Nam, và nói đến nguồn lực tài chính là nói đến khu vực tài chính, cần phải có một hệ thống tài chính chính thức trong việc điều động các nguồn lực tài chính. Chính phủ có vai trò trung gian trong việc điều động các nguồn lực tài chính. Chính phủ cần tạo nên một khung thể chế thống nhất, đồng thời thực hiện việc tư nhân hóa và dành ưu tiên đối với từng khu vực lựa chọn cụ thể.

Bà nhận xét Việt Nam đã làm rất tốt trong việc sử dụng một số nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực công, và đạt được nhiều kết quả quan trọng về các lĩnh vực giáo dục, y tế, giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó Việt Nam vẫn gặp phải một số thách thức trong việc làm thế nào để có thể huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả.

  • Ngọc Anh