Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai, chủ động tham gia cuộc cách mạng này, Việt Nam cần ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến cuộc CMCN 4.0, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc cách mạng này.
Trao đổi tại hội thảo Vietnam Finance 2018 “Chuyển đổi số trong ngành Tài chính” ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh: Cuộc CMCN 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhiều quốc gia, đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam từ ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào các phương thức sản xuất, kinh doanh mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Chủ động tham gia cuộc cách mạng này, Việt Nam cần ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến cuộc CMCN 4.0, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc cách mạng này, ứng dụng khoa học công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc đầu tư vào các công nghệ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… cho phép chính phủ có khả năng đổi mới cách thức quản lý, mang lại hiệu qủa và lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá, tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính và CNTT có mức độ sẵn sàng cao nhất để chuyển đổi số dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ, các công nghệ lõi như dữ liệu lớn, IoT, Ai… Công nghệ Blockchain đang có ảnh hưởng mạnh, có thể áp dụng hầu hết trong các ngành nghề nhưng phổ biến nhất trong tài chính, ngân hàng, giúp minh bạch hơn.
“Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0, xây dựng chính phủ số hướng tới nền kinh tế số. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó, việc tiến hành tốt chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam chủ động trong cuộc CMCN 4.0, hướng tới quốc gia thông minh”, Thứ trưởng nói.
Chuyển đổi số sẽ dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh. Nếu chưa có dữ liệu cần phải tạo ra dữ liệu, đầu tư nhân lực, công nghệ để sử dụng được. Xem xét chia sẻ và bảo vệ dữ liệu để đóng góp vào phát triển kinh tế.
Dù vậy trong chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ có nhiều thách thức lớn. “Thách thức đối với chuyển đổi số ở Việt Nam là nguồn lực và kỹ năng; văn hóa và nhận thức; an toàn an ninh mạng. Cho dù Việt Nam có tiến hành chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu CMCN 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như câu chuyện Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khuyến cáo.
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Như trong ngành thuế, hải quan; hay công nghệ tài chính (Fintech) cũng phát triển nhanh.
Ngành tài chính nắm giữ 3 lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế là thuế, hải quan và kho bạc. Thách thức lớn là làm thế nào tạo cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành tài chính. Bên cạnh những thách thức về xây dựng hạ tầng, đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng 3 Nghị định về kết nối liên thông hệ thống thông tin, về xác thực, định danh điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân... Với sự hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng là điều kiện tốt để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp 4.0 (tiếng Anh là Industry 4.0) bao gồm sự xuất hiện của công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot, máy in 3D, vật liệu mới, công nghệ nano cùng đột phá về nhận thức trong những quy trình sinh học.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà kinh tế trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực cụ thể như: sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp... Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.