Ngày 20/12/2016, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô Hun Xen (Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen).

Trong cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì nguyên tắc không cho thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ nước này để gây phương hại đến an ninh của nước kia và tăng cường hợp tác chống buôn lậu, vượt biên trái phép và trong phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm công nghệ cao.

Tội phạm công nghệ cao về mục đích và thủ đoạn phạm tội giống với tội phạm truyền thống, chẳng hạn chiếm hưởng trái phép tài sản của người khác hay lừa đảo tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điểm căn bản tạo ra khác biệt giữa tội phạm công nghệ cao và tội phạm truyền thống chính là phương tiện phạm tội. Chúng lợi dụng tiến bộ công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp, ngồi một chỗ nhưng vẫn hành động được ở địa điểm khác.

Hành vi của chúng cũng khác nhiều so với tội phạm truyền thống. Chúng phải có hiểu biết về công nghệ thông tin mới thực hiện hành vi phạm tội được. Cùng với sự phát triển của CNTT, tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển rầm rộ.

Ngày 29/3/2016, tại sự kiện Security World 2016, Đại tá Võ Tuấn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết Việt Nam đã được dự báo có thể là một trong những khu vực nóng bỏng về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo Đại tá, số liệu của hãng bảo mật Symantec cho thấy Việt Nam hiện đang đứng thứ 11 trên toàn cầu về các hoạt động đe dọa tấn công mạng. Những hoạt động đe dọa nhắm vào cơ quan doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam bao gồm, tấn công có chủ đích, các mối đe dọa trên thiết bị di động, phát tán mã độc, virus và đánh cắp dữ liệu.

Đại tá khẳng định “Các tội phạm công nghệ cao thường tập trung tại một số tỉnh thành phố trọng điểm, nơi có sự giao lưu hội tụ của nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, tài chính ngân hàng hoặc nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống”.

Để hướng tới môi trường Internet an toàn, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cần phải rà soát, kiểm tra lỗ hổng bảo mật của website; sử dụng tường lửa, các chương trình diệt virus mạnh; khắc phục kịp thời các sơ hở; áp dụng các biện pháp quản lý quyền được khai thác thông tin, dữ liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng các thiết bị có độ bảo mật cao nhằm hạn chế khả năng bị tấn công. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn mạng, bảo mật dữ liệu về sử dụng mạng Internet như sử dụng công cụ kĩ thuật, nâng cao năng lực đầu tư cho công tác an ninh mạng khi xây dựng vận hành các trang web của nhà nước và doanh nghiệp. “Cơ quan nhà nước phải tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm công nghệ cao”, đại tá Võ Tuấn Dũng nói.