Sáng 9/10, Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai khai mạc tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tham dự hội nghị có các thành viên của 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste dự với vai trò quan sát viên.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ luân phiên là Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai 2023, chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Đây vừa là trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.
Đồng thời, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực.
Dự kiến trong chuỗi sự kiện lần này, 10 nước thành viên ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Hạ Long về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh việc, ASEAN đã đạt được những kết quả thiết thực về tất cả các mặt của quá trình phòng, chống thiên tai, từ đánh giá và giám sát, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đến tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.
Thay mặt quốc gia chủ nhà, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cam kết, nỗ lực tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN.
"Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với quyết tâm, cách làm khoa học, bài bản, sự hỗ trợ của các đối tác, bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ vượt qua thách thức, xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đi đầu trong quản lý thiên tai trên toàn cầu", ông Hiệp khẳng định.
Qua đây, ông Hiệp đánh giá, việc đưa ra Tuyên bố Hạ Long tại hội nghị lần này là điểm nhấn đáng chú ý. Ông nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết với các quốc gia ASEAN trong việc triển khai các nhiệm vụ phối hợp, nhằm thích ứng với các thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu... đang diễn ra ngày một nhiều thời gian qua.
Hội nghị lần này tiếp tục cho ý kiến và thông qua một số nội dung chính về Triển khai quyết định của Lãnh đạo cấp cao có liên quan; cập nhật kết quả thực hiện chương trình ADDMER 2021-2025 trong thời gian qua; trao đổi để trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua Tuyên bố Hạ Long và thảo luận về Quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận 4 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN trong thời gian qua.
Được biết, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai được tổ chức ngày 12/10, với sự tham dự của 6 bộ trưởng, 8 thứ trưởng và hơn 140 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai, các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực.