Việt Nam sẽ có"những câu hỏi thách thức" khi mà kết quả của tổ chức OECD và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về giáo dục chênh lệch 66 bậc.
Học sinh Trường THPT Lạng Giang 2 (Bắc Giang) trong giờ thực hành môn Vật lý. Ảnh: Hạ Anh |
“Tính chất giáo dục”ở 2 bảng xếp hạng
Cùng thời điểm Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp hạng giáo dục các quốc gia dựa trên điểm thi hai môn toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 được đưa ra thì Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã công bố báo cáo về "nguồn vốn con người" (HC) năm 2015 ngày hôm qua, 13/5.
Bảng xếp hạng HC không chỉ quan tâm đến những chỉ số tuyển sinh và trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dân ở các quốc gia mà còn phân tích cả những tiêu chuẩn như học hỏi ở nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp hay những kỹ năng không tương xứng.
Bảng xếp hạng HC đưa ra các chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng và việc làm ở 5 nhóm tuổi khác nhau, bắt đầu từ dưới 15 tuổi tới trên 65 tuổi.
Bảng xếp hạng của OECD dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học của học sinh 15 tuổi trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển.
Việt Nam có chênh lệch lớn
Những điểm giống và khác nhau giữa hai bảng xếp hạng đã đưa đến những tín hiệu lạc quan cho một vài quốc gia và cũng đem lại những câu hỏi đầy thách thức cho những quốc gia khác.
Nhóm dưới 15 tuổi của Việt Nam xếp thứ 78 trong báo cáo "Nguồn vốn con người" (HC) của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: Weforum |
Theo thống kê cụ thể của bảng xếp hạng HC nhóm dưới 15 tuổi, nhiều quốc gia đạt vị trí xếp hạng khá tương đồng với vị trí xếp hạng của OECD.
Nhật Bản là một ví dụ về sự tương đồng. Ở bảng xếp hạng của OECD, Nhật Bản đứng thứ 4, trong khi nhóm dưới 15 tuổi trong bảng xếp hạng HC của Nhật Bản được xếp vị trí số 5.
Hay như Singapore – quốc gia đứng đầu bảng trong bảng xếp hạng của OECD cũng giành vị trí số 3 trong nhóm dưới 15 tuổi của bảng xếp hạng HC. Nhìn chung, cả 2 bảng xếp hạng đều lạc quan về tương lai của Singapore.
Tương tự, một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Sĩ, Hà Lan… có vị trí ở 2 bảng xếp hạng không cách biệt nhau nhiều.
Kết quả xếp hạng của nhóm học sinh Việt Nam ở độ tuổi 15 theo xếp hạng của Tổ chức OECD |
Riêng trường hợp của Việt Nam, vị trí ở 2 bảng xếp hạng chênh nhau tới 66 bậc. Nhóm dưới 15 tuổi trong bảng xếp hạng HC của Việt Nam đứng tận vị trí số78 – so với vị trí số 12 của OECD.
Tươi sáng và lo ngại
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định "tương lai của nhiều các quốc gia châu Á sẽ tươi sáng hơn", đồng thời chỉ ra "những dấu hiệu đáng lo ngại ở một số nước Bắc Âu".
Một số quốc gia ở châu Á xếp hạng tương đối thấp về chỉ số vốn nhân lực của Diễn đàn Kinh tế thế giới mặc dù giáo dục của họ được OECD xếp hạng đứng top đầu của thế giới.
Singapore là minh chứng điển hình nhất khi họ là quốc gia đứng đầu thế giớivề giáo dục về toán và khoa học nhưng lại chỉ đứng thứ 24 về tổng thể vốn con người.
Hàn Quốc xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng giáo dục của OECD thì cũng chỉ đứng thứ 30 trong Báo cáo Vốn con người của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Sự khác biệt trở nên rõ nét hơn ở Việt Nam với chỉ số 12 trong bảng xếp hạng của OECD và chỉ số 59 (chỉ số chung) trong 124 quốc gia được xếp hạng.
Phần lớn lý do của sự khác biệt ở những quốc gia này là câu chuyện của các thế hệ.
Ví dụ như Singapore đã phát triển rất nhanh chóng trong thời đại của thế hệ trẻ gần đây cho thấy khác biệt giữa các nhóm tuổi thể hiện rất rõ ràng.
Nếu nhìn vào xếp hạng vốn con người của nhóm người trên 65 tuổi, Singapore chỉ xếp thứ 66; còn ở nhóm người dưới 15 tuổi thì quốc gia này lại đứng thứ 3 trong báo cáo HC.
Những dấu hiệu đáng lo ngại ở một số nước Bắc Âu
"Với những quốc gia hiện đang dẫn đầu về tổng thể các khía cạnh của "nguồn vốn con người" nhưng xếp hạng giáo dục về toán và khoa học độ tuổi 15 lại đang tụt lại phía sau thì ở thập kỷ tới, cuộc đấu tranh để duy trì lợi thế trong tương lai sẽ tương đối gay gắt" - đây là nhận định đưa ra từ kỷ yếu của diễn đàn.
Kết quả so sánh hai vị trí xếp hạng cho thấy tương lai 3 nước vùng Scandinavia rất đáng lo ngại khi Na Uy đứng thứ 2 về chỉ số vốn con người nhưng xếp hạng của OECD là 25. Các vị trí tương ứng ở Thụy Điển là 6 và 35 trong khi Đan Mạch xếp thứ 7 và 22. Những quốc gia này tương lai được dự đoán sẽ trái ngược với sự phát triển của Singapore.
OECD gần đây cũng đã cảnh báo Thụy Điển phải đặc biệt xem xét lại hệ thống giáo dục của mình.
5 quốc gia luôn làm tốt và giữ vững phong độ
Mặc dù có sự khác biệt giữa 2 chỉ số thì Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hà Lan và Canada là 5 nước vẫn nằm trong top 10 của cả hai bảng xếp hạng.
Trong đó, Phần Lan là quốc gia đáng chú ý khi đã vượt lên những người hàng xóm Bắc Âu của mình để giữ vị trí thứ 6 trên thế giới và thứ nhất trong các quốc gia nằm ngoài châu Á của bảng xếp hạng giáo dục được thực hiện bởi OECD và cũng giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng HC.
Được biết, Phần Lan là quốc gia có chất lượng giáo dục tiểu học tốt nhất trên thế giới và cũng là quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là nơi dễ dàng nhất để tìm thấy nhân lực chất lượng cao.
"Vốn con người là những kiến thức, kỹ năng tích luỹ trong mỗi con người nhờ quá trình học tập, rèn luyện và lao động. Chính vì thế, giáo dục và đào tạo chính là yếu tố để hình thành và tích luỹ vốn con người. Điều này khẳng định giáo dục là một phần của vốn con người, nhưng không phải tất cả" (trích báo cáo của WEF) |
- Nguyễn Thảo - Thu Phương
Xem thêm: