Chúng ta có thể thúc đẩy quá trình bình thường hóa bằng việc dỡ bỏ các rào cản đã lỗi thời, như lệnh cấm vận vũ khí.

Việt Nam - Hoa Kỳ: Nền tảng nào cho cuộc chơi

Tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh vừa có bài viết đăng trên The Diplomat về quan hệ Việt – Mỹ. Tuần Việt Nam xin giới thiệu với độc giả.

Khi tôi làm việc tại phái đoàn của Việt Nam ở Liên hợp quốc, từ năm 1987 đến 1990, tôi thấy hầu hết người Mỹ đều nhiệt tình và thân thiện, dù vẫn còn nhiều người không thể vượt ra khỏi mối thù thời chiến. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Giờ đây, trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tôi thấy người Mỹ nhìn về tương lai và những gì chúng ta có thể cùng nhau làm được, từ việc tạo công ăn việc làm, buôn bán giao thương đến tạo dựng sự hiểu biết lẫn nhau thông qua giáo dục.

Tương tự với người Việt Nam – một dân tộc trẻ có độ tuổi trung bình dưới 30 – chúng tôi cũng thiết tha hướng về phía trước. Trong một chuyến đi xe đạp dài 1.200 dặm xuyên Việt hồi cuối những năm 1990, ông Ted Osius, người hiện là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã sợ rằng ông có thể gặp phải sự thù hận khi đến một vùng phi quân sự xưa. Nhưng thay vào đó, ông đã được một người phụ nữ chào đón và nói rằng: “Giờ chúng ta là anh em”.

{keywords}

  Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Reuters

Gần đây, khi tôi đến trình quốc thư lên Tổng thống Barack Obama, tôi nghĩ về con đường mà hai nước chúng ta đã đi qua từ xung đột đến hợp tác.

Sau nhiều thập kỷ cố gắng, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát động một sáng kiến mang tên Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ hồi tháng 7/2013 nhằm định hướng việc tiếp tục biến đổi quan hệ giữa hai dân tộc. Thể hiện thái độ hòa giải, quan hệ đối tác này được các cựu chiến binh ủng hộ, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain. Ngoại trưởng Kerry nhận định hồi tháng 12/2013: “Chưa có hai nước nào nỗ lực mệt mỏi hơn, làm nhiều hơn và tốt hơn” để vượt qua quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai như vậy.

Trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ vào tháng 7 tới, giờ là lúc để làm sâu sắc hơn và mở rộng hơn quan hệ bằng hữu, tin tưởng và hợp tác giữa hai nước chúng ta. Thông qua Đối tác Toàn diện, hai nước chúng ta có thể lập kế hoạch cho nhiều thập kỷ tới và mở rộng hợp tác trong một loạt lĩnh vực như kinh tế và thương mại, an ninh và quốc phòng, y tế và hỗ trợ nhân đạo, giáo dục và môi trường. Chúng ta có thể thúc đẩy quá trình bình thường hóa bằng việc dỡ bỏ các rào cản đã lỗi thời, như lệnh cấm vận vũ khí.

Sau ba thập kỷ đổi mới, các cải cách dựa trên thị trường của Việt Nam đã diễn ra sâu sắc, đem lại thịnh vượng và đưa hàng triệu người thoát nghèo. Tính riêng từ năm 2000-2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 5 lần, từ 400USD/người lên mức gần 2.000 USD/người.

{keywords}

Với nhu cầu tiêu dùng tăng cao như vậy, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 36 tỷ USD trong năm 2014. Con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2006, năm trước khi Mỹ lập lại quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam, và gấp 70 lần nếu so với năm 1995 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tiềm năng vẫn còn rất lớn. Gần đây, GE đã ký hợp đồng bán động cơ máy bay trị giá 1,7 tỷ USD cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và trị giá 800 triệu USD với hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam (VietJet Air), bán turbine trị giá 94 triệu USD cho Cánh đồng điện gió Công Lý (Cong Ly Wind Farm) ở tỉnh Bạc Liêu. Hoạt động xuất khẩu này sang Việt Nam giúp cho các doanh nghiệp Mỹ và tạo việc làm ở Mỹ, đồng thời giúp Việt Nam cải thiện kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Tương tự, hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sắp hoàn thiện, trong đó có Mỹ và Việt Nam cùng 10 quốc gia khác, sẽ biến đổi hoạt động thương mại xuyên Thái Bình Dương, thúc đẩy cải cách thị trường Việt nam và tiếp sinh lực cho cả hai nền kinh tế chúng ta.

Giáo dục và công nghệ, cũng như trao đổi nhân dân là các trụ cột hợp tác. Việt Nam hiện có 16.500 sinh viên đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các quốc gia Đông Nam Á và đứng thứ 8 toàn cầu. Cách đây hai thập kỷ, Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright đã được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh, một phần là nhờ các nỗ lực không mệt mỏi của ngài John Kerry, khi đó còn là Thượng nghị sĩ.

Giờ đây, chúng ta đang nỗ lực thành lập một trường Đại học Fulbright. Các nỗ lực này nhằm vinh danh chính khách đã có một tiếng nói vì hòa bình và một cố vấn dày kinh nghiệm, đó là Tổng thống Clinton, người đã có quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Hai nước chúng ta tiếp tục cùng nhau giải quyết các hậu quả chiến tranh, cũng như phối hợp trong nhiều vấn đề khác, bao gồm chống biến đổi khí hậu và cứu hộ thiên tai. Việt Nam hợp tác đầy đủ trong các vấn đề tù binh và người mất tích trong chiến tranh (MIA), trong khi Mỹ giúp Việt Nam làm sạch chất diệt cỏ màu da cam và chất làm rụng lá…

Hai nước đã thiết lập 11 cơ chế đối thoại, trong đó có Đối thoại Quốc phòng Song phương thường niên, và Đối thoại Chính trị - An ninh – Quốc phòng nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước về an ninh biển, tìm kiếm và cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo, đối phó với thiên tai, không phổ biến vũ khí hạt nhân và gìn giữ hòa bình. Các nỗ lực chung của chúng ta đã được đẩy mạnh năm 2013, khi Ngoại trưởng Kerry thông báo 18 triệu USD tiền hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu hộ, đối phó thiên tai và các năng lực biển khác.

Gác lại một di sản xung đột, Việt Nam và Mỹ giờ đây phối hợp với nhau trên tinh thần vì lợi ích chung và mục tiêu chung. Khi chúng ta kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác này chính là hình mẫu cho một thế giới đã chán ghét chiến tranh và khát khao hợp tác vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

Quốc Thái (giới thiệu)