Với nền tảng quan hệ, lòng tin chính trị và sự song trùng lợi ích nhiều mặt, chúng ta có lý do để lạc quan thận trọng về sự phát triển tiếp tục của quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm tới.
Chuyến thăm Mỹ từ ngày 6-11/7/2015 của TBT Nguyễn Phú Trọng thực sự là một sự kiện, một bước ngoặt có tính lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ. “Lịch sử” ở đây không chỉ ở tính biểu tượng của chuyến thăm và sự đón tiếp “vô tiền khoáng hậu”, mà nằm ở nội dung thực chất trong hàng loạt các vấn đề then chốt được thảo luận giúp tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai.
Kết quả vượt kỳ vọng
Chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng đã khép lại, nhưng các định hướng và tầm nhìn chung đạt được sẽ giúp tạo nền tảng đưa quan hệ song phương Việt-Mỹ phát triển trong các thập kỷ tiếp theo. Cần nhiều thời gian hơn mới có thể đánh giá hết ý nghĩa, tầm vóc quan trọng và ảnh hưởng của chuyến thăm, nhưng sơ bộ có thể thấy ít nhất 5 kết quả quan trọng sau:
Trước hết, đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của TBT ĐCS Việt Nam và cũng là lần đầu tiên TT Obama dành nghi lễ đón tiếp nguyên thủ đối với người đứng đầu đảng chính trị của một quốc gia, mà lại là người đứng đầu ĐCS. Điều này cho thấy lòng tin chính trị và sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt – Mỹ.
TT Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng ngày 7/7. Ảnh: AP |
Thứ hai, hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ đã xem xét và ghi nhận kết quả thực chất đạt được trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, từ kinh tế, thương mại đến giáo dục, khoa học và công nghệ; từ môi trường, biến đổi khí hậu đến quốc phòng, an ninh, rồi các lĩnh vực “nhạy cảm” như dân chủ nhân quyền. Thực chất đây chính là sự ghi nhận về sự phát triển “bình thường” trên tất cả các mặt của quan hệ Việt-Mỹ sau 20 năm bình thường hóa. Bên cạnh đó, TBT Nguyễn Phú Trọng và TT Obama cũng bàn về cách thức làm sâu sắc hơn và đa dạng hơn các lĩnh vực hợp tác ghi trong thỏa thuận Đối tác toàn diện.
Điều này cho thấy sự đan xen và song trùng lợi ích giữa Việt Nam và Mỹ trong rất nhiều vấn đề. Lợi ích và sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ quan hệ song phương, mà còn trong các hợp tác khu vực, đa phương và toàn cầu.
Thứ ba, Việt Nam và Mỹ đã trao đổi sâu và đạt được nhận thức quan trọng về một số vấn đề “cốt lõi” có tính lan tỏa, tăng cường lòng tin hoặc giúp thúc đẩy việc đan xen lợi ích tạo nền tảng vững chắc hơn trong quan hệ, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác quốc phòng.
Về TPP, trong Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt-Mỹ, hai nước thể hiện muốn hợp tác để sớm hoàn tất tiến trình đàm phán. Là Hiệp định thương mại được coi là có tiêu chuẩn quốc tế cao nhất hiện nay, việc hoàn tất TPP sẽ giúp tạo sự liên kết giữa các thành viên một cách chặt chẽ hơn, giúp thúc đẩy sự thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và sự thịnh vượng chung trên thế giới.
Về hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Mỹ đều thể hiện quyết tâm làm sâu sắc và cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác được ghi trong Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký tháng 6/2015. Trong bất kỳ quan hệ song phương nào, hợp tác quốc phòng là chỉ dấu quan trọng đo mức độ lòng tin, là nền tảng xây dựng sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Thứ tư, hai bên đã đạt được nhận thức mới quan trọng trong các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Đây là những chủ đề được các nhà lãnh đạo Việt-Mỹ quan tâm và được đề cập trong hầu hết các cuộc gặp, các tuyên bố quan trọng.
Điều này cho thấy: (i) Đây là các vấn đề liên quan nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và Mỹ; (ii) Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, lợi ích của hai nước mà còn liên quan đến thịnh vượng và an ninh toàn cầu; (iii) Việc kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và xử lý hòa bình các tranh chấp cho thấy trách nhiệm của Việt Nam và Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu.
Thứ năm, hai bên trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các khác biệt, các điểm từng được coi là “nhạy cảm”, như tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… Điều này cho thấy: (i) Sau 20 năm, quan hệ Việt-Mỹ giờ đây đã trưởng thành, hai bên không còn lo ngại việc đề cập đến các khác biệt sẽ làm ảnh hưởng quan hệ; (ii) Các khác biệt về nhận thức, về cách tiếp cận trong các vấn đề “nhạy cảm” trên là lẽ đương nhiên, do sự khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển, khác biệt về văn hóa, tôn giáo… và chúng là một phần của quan hệ; (iii) Điều quan trọng là hai bên coi đối thoại là con đường tốt nhất để thu hẹp khác biệt, để hiểu biết nhau hơn, mở rộng các điểm tương đồng và đưa quan hệ Việt - Mỹ tiến về phía trước.
Điểm quan trọng tạo cơ sở cho lòng tin chính trị hai nước là việc bên cạnh việc tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, thì nay Mỹ còn công nhận thể chế chính trị mà thực chất là tôn trọng sự lựa chọn chính trị của Việt Nam.
Lợi ích song trùng
Như bất kỳ quan hệ song phương nào khác, sự song trùng lợi ích quốc gia trên nhiều vấn đề là một trong những nhân tố quan trọng đưa quan hệ Việt-Mỹ có những bước tiến dài, mà theo như lời TBT Nguyễn Phú Trọng là ít ai có thể hình dung nổi cách đây 20 năm.
Khi lên cầm quyền tháng 1/2009, Chính quyền của TT Obama đã thực hiện chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Á, coi quan hệ của Mỹ với khu vực này là ưu tiên hàng đầu, quyết định vào sự “thành, bại” trong việc tiếp tục duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong chiến lược xoay trục, Mỹ thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam. Trước hết, tuy chỉ là nước đang phát triển tầm trung, nhưng Việt Nam lại có nền kinh tế phát triển nhanh, tích cực hội nhập với khu vực và quốc tế. Quan hệ Mỹ-Việt tốt sẽ giúp Mỹ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ và đầu tư.
Bên cạnh đó, Mỹ nhìn thấy vai trò quan trọng cũng như tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam. Trong ASEAN chẳng hạn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đoàn kết, thống nhất nội khối làm cho ASEAN ngày một lớn mạnh, đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo hòa bình và xây dựng cấu trúc khu vực về kinh tế, an ninh, chính trị ở Đông Á. Đặc biệt Mỹ coi Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn cầu, cũng như trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Tuy không chia sẻ hoàn toàn các đánh giá chiến lược với Mỹ, nhưng Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Mỹ, siêu cường số một có ảnh hưởng toàn cầu và là một trong số ít các quốc gia có ảnh hưởng và tác động lớn, trực tiếp nhất đối với môi trường chiến lược, an ninh và phát triển của Việt Nam.
Về kinh tế-thương mại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn là nước đi đầu trong lĩnh vực GD, KH và CN - những lĩnh vực then chốt đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Bên cạnh đó là sự tương đồng trong cách tiếp cận giữa hai nước trong vấn đề an ninh, an toàn hàng hải và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động đơn phương gần đây nhằm tìm cách thay đổi nguyên trạng. Cuối cùng là sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam và Mỹ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương.
Như vậy, với nền tảng quan hệ hiện nay, cộng với lòng tin chính trị và sự song trùng lợi ích nhiều mặt, chúng ta có lý do để lạc quan thận trọng về sự phát triển tiếp tục của quan hệ Việt-Mỹ trong 20 năm tới.
Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)