LTS: Nhân chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam (ngày 6-8/8), sau những chuỗi hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 20 năm Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến, cảm xúc từ những người từng làm “nhịp cầu” cho 2 đất nước nằm bên 2 bờ Thái Bình Dương.
Ông Trần Tuấn Anh, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Tổng lãnh sự VN tại TP. San Francisco: “Thương mại và kinh tế chính là động lực cho quan hệ mở rộng…”
Chắc chắc rằng, 20 năm trước dù có lạc quan đến bao nhiêu cũng không thể đánh giá đầy đủ được như kết quả hôm nay.
Qua chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ Việt – Mỹ đã khẳng định những nền tảng cơ bản và vô cùng quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển của mối quan hệ đó. Sự có mặt của nhà lãnh đạo ĐCS VN với tổng thống quốc gia đối tác Hoa Kỳ ghi nhận và khẳng định tầm vóc quan trọng của mối quan hệ này, cũng như ghi nhận sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, hướng vào mục tiêu chung.
Chúng ta đã đi được bước dài để đạt được niềm tin chiến lược như lời khẳng định của các nhà lãnh đạo của 2 nhà nước. Hãy biến niềm tin chiến lược đó thành những chương trình, kế hoạch cụ thể của mình, khai thác những cơ hội của quan hệ Việt – Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh khi việc gia nhập TPP đang đi vào bước nước rút.
Chúng ta phải hiểu thực chất TPP không chỉ đơn thuần là khuôn khổ của hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia đối tác khu vực Thái Bình Dương. Đây còn là khuôn mẫu của những mối quan hệ hợp tác đa dạng sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường, thương mại tự do. Hơn thế nữa, đó chính là sự khẳng định về cam kết hợp tác trên quan hệ đối tác của các quốc gia có các chính thể khác nhau.
Thương mại và kinh tế chính là động lực để quan hệ VN và Hoa Kỳ rộng mở, lan tỏa sang các lĩnh vực giáo dục, đầu tư, chuyển giao công nghệ,…
Thương mại và kinh tế chính là động lực để quan hệ VN và Hoa Kỳ rộng mở, lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Ảnh minh họa |
Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp VN – Hoa Kỳ, trưởng đoàn đàm phán WTO của VN: “Phát huy cái giống nhau và bỏ qua những cái khác nhau”.
Phải có quyết tâm chính trị cao, TPP mới có thể kết thúc và sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại là hội nhập và cùng nhau phát triển, như cựu Tổng thống Bill Clinton đã nói: “VN và Hoa Kỳ tự giải phóng cho mình” để cùng bắt tay hợp tác mạnh mẽ.
Nhìn lại 20 năm quan hệ thương mại và kinh tế, tôi thấy nếu biết phát huy cái giống nhau và bỏ qua những cái khác nhau thì chúng ta sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Năm 2000, VN và Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại (BTA). Về hàng hóa đã cắt giảm gần 300 dòng thuế nhập khẩu. Năm 2006, VN – Hoa Kỳ ký Hiệp định song phương gia nhập WTO, cam kết cắt giảm trên 10.000 dòng thuế XNK, bỏ hạn ngạch dệt may.
Nhờ hai hiệp định trên mà thương mại và đầu tư giữa hai nước có bước nhảy vọt. Nhờ BTA năm 1995, thương mại hai nước từ con số 0 lên 451 triệu USD ngay trong năm 1995. Đến năm 2014, thương mại hai chiều đã tăng lên đến trên 35 tỷ USD! Đầu tư FDI từ Hoa Kỳ từ 126 triệu USD năm 2000 lên 11 tỷ USD năm 2013.
Việc VN tham gia đàm phán TPP là ý chí và mong muốn xây dựng một khu vực kinh tế phát triển theo chuẩn mực tự do thương mại mới quanh bờ Thái Bình Dương. Điều này cũng chứng minh rằng cả hai nước đều mong muốn thịnh vượng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM: “Tương lai chung của hai nước chúng ta là vô tận”
Chúng ta đang trong một giai đoạn rất sôi động trong quan hệ song phương hai nước. Và đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta nhìn nhận về quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước và những cơ hội sắp tới.
Gần đây nhất chúng ta đã có một minh chứng cho những thành tựu ngoại giao song phương khi Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và hội kiến với Tổng thống Barack Obama.
Chúng ta đã có nhiều thành tựu trong giai đoạn từ 1995 đến nay. Khi mới bắt đầu vào năm 1995, khối lượng thương mại hai chiều mới chỉ gần 500 triệu USD, hiện tại đã đạt 35 tỷ USD. Mối quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ còn tăng mạnh nữa khi TPP được hoàn thiện và kiến tạo một khu vực kinh tế bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.
Cũng vào năm 1995, chỉ có 800 sinh viên VN học tập và nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Ngày nay con số đó là hơn 17.000, đứng thứ 8 trong số cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ.
Năm 2013, Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký Hiệp định đối tác toàn diện, hai nhà lãnh đạo đã nêu ra 9 nội dung mà hai nước có thể mở rộng hợp tác. Hiện nay chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc trong cả 9 nội dung này.
Hai mươi năm trước chúng ta không thể ngờ đến những kết quả như vậy! Có những điều hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng.
Chúng ta sẽ có những thử thách. Nhưng sự thành công của tình hữu nghị và bài học mà chúng ta nhận được từ những khởi sự ban đầu là, khi có thách thức, chúng ta phải thảo luận cởi mở, thẳng thắn nhằm giải quyết thách thức đó. Và, chúng ta đã làm được như vậy.
Ngài Peter Peterson, Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại VN, ngay từ năm 1995 đã khẳng định: “Trong mối quan hệ này, không gì là không thể”. Tôi cũng tin tưởng như cựu Đại sứ rằng, tương lai chung của hai nước chúng ta là vô tận.
Hy vọng các bạn cũng có niềm tin như thế!
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty hội nhập toàn cầu (GIBC), CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam: “ VN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khối TPP”
Mối quan hệ VN – Hoa Kỳ là một câu chuyện thú vị trong bức tranh tổng thể về Đổi mới và hội nhập của VN. BTA đã mang đến hiệu ứng bất ngờ. Xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ tăng 129% trong năm đầu tiên khi BTA có hiệu lực. Năm 2007, sau khi VN gia nhập WTO, xuất nhập khẩu VN và Hoa Kỳ tăng gấp 4 lần.
Từ năm 2012, VN đã đạt được thặng dư thương mại thường xuyên hơn. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với TQ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Ngược lại, VN ghi nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Hongkong, Anh, UAE…
Năm 2015 là năm bận rộn mang tính quyết định cho tương lai của nền kinh tế VN. Đây là năm hình thành những khối tự do mậu dịch với sự tham gia của VN như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do VN – Liên hiệp châu Âu (Vietnam – EU AFTA) và đặc biệt là TPP.
Nhìn vào lịch sử của quá trình phát triển kinh tế hội nhập với thế giới, có thể tin rằng, TPP sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển của VN. Đánh giá tác động của TPP, các chuyên gia dự báo VN sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Cụ thể nhất của những tác động thuận lợi là thuế suất bình quân với mặt hàng dệt may của VN vào thị trường Hoa Kỳ đang là 17,3% sẽ trở về 0% sau khi tham gia TPP. Theo số liệu của Hiệp hội dệt may của VN, tính đến tháng 4/2015, hàng dệt may của VN chiếm khoảng 10,16% thị phần hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của VN với 55% thị trường toàn ngành.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen: “Chúng tôi đang chuẩn bị đón đầu xu thế…”
Tham gia đàm phán tích cực để tiến tới ký kết TPP, tôi nghĩ đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho 12 nước thành viên, đặc biệt là VN bởi các lý do sau:
Thứ nhất, VN sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tới các nước thành viên do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Thứ hai, TPP sẽ “mở khóa” các thị trường mới rộng lớn hơn, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sự đổi mới và tạo ra việc làm với thu nhập cao. TPP sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các DNNN và DNTN. Đây là cơ hội tốt để DN Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với nhau và với các DN nước ngoài.
Thứ ba, TPP sẽ giúp VN giảm phụ thuộc và giảm thâm hụt thương mại với một số thị trường thông qua thặng dư thương mại với các thành viên, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Đây là cơ hội để vươn cao vị thế trên thị trường quốc tế. Ngành hàng công nghiệp VN, trong đó có tập đoàn Hoa Sen sẽ tìm cách và biết cách nắm lấy cơ hội này. Khi TPP được ký kết, sản lượng XK của chúng tôi tới Hoa Kỳ sẽ tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung đầu tư mở rộng SX, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu xu thế này khi TPP được ký kết…
Duy Chiến
Ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội dệt may VN: “Cơ hội lớn cho ngành dệt may VN sau khi ký TPP” - Năm 2014, hàng dệt may VN vào Hoa Kỳ đạt 9,853 tỷ USD, chiếm 9,2% thị phần NK dệt may của Hoa Kỳ, xếp thứ 2 sau TQ. Tính chung trong 10 năm (2004 – 2014), hàng dệt may VN vào Hoa Kỳ tăng 398%, tốc độ tăng bình quân mỗi năm 15%. - TPP là đòn bẩy giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ và tái cấu trúc nội lực một cách vững chắc. |