Dù cách nhau nửa vòng trải đất, nhưng Mỹ và Việt Nam lại có sự “bén duyên”, chủ động tìm đến nhau từ rất sớm. Mối liên hệ sớm nhất trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ được ghi lại cho đến nay là vào năm 1787.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết tiếp theo trong loạt bài Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ của TS Hoàng Anh Tuấn, xoay quanh lịch sử quan hệ hai nước từ trước Cách mạng tháng 8/1945.

>>Việt - Mỹ: 20 năm sau bước ngoặt lịch sử

Trước Cách mạng tháng Tám, Đội tuyên truyền giải phóng quân và Cơ quan tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) đã cùng sát cánh chống phát xít Nhật tại Đông Dương. Tuy nhiên, sự trớ trêu của lịch sử lại đẩy Việt Nam và Mỹ vào một trong những cuộc chiến tương tàn nhất trong lịch sử nhân loại chỉ hai thập kỷ sau đó.

Giờ đây các vết thương của quá khứ bắt đầu lành và những chương mới đang được mở ra.

“Cơ duyên lỡ làng”

Dù cách nhau nửa vòng trải đất, nhưng Mỹ và Việt Nam lại có sự “bén duyên”, chủ động tìm đến nhau từ rất sớm. Mối liên hệ sớm nhất trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ được ghi lại cho đến nay là vào năm 1787.

Khi đó, Thomas Jefferson, người chắp bút Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Mỹ, là đại diện ngoại giao của Mỹ tại Paris, đã chủ động đề nghị Hoàng tử Cảnh lúc này đang ở Paris cung cấp một số giống lúa tốt để ông ta đem về Mỹ trồng thử, nhằm tìm giống cây tốt từ khắp nơi trên thế giới để cải biến nông nghiệp Mỹ. 

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi Thomas Jefferson tại vị với tư cách Tổng thống thứ ba của nước Mỹ (1801-1809), thương thuyền Frame trở thành con tàu đầu tiên của Mỹ cập cảng Đà Nẵng tháng 5/1803, mở đầu cho hàng loạt chuyến đi kế tiếp của các thương thuyền khác đến Việt Nam, với mục tiêu tìm kiếm thị trường cho nông sản và hàng hóa Mỹ.

{keywords}

Mỹ và Việt Nam đã có mối quan hệ từ rất sớm. Ảnh minh họa

Nỗ lực đầu tiên về bang giao ngoại giao giữa hai nước được thực hiện lần đầu năm 1832 khi sứ giả Edmund Roberts thừa ủy quyền của Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837) đến Việt Nam trên chiến thuyền Peacock với sứ mạng ký hiệp định thương mại, mở cửa thị trường Việt Nam. Đây cũng có thể coi là lần đầu tiên Việt Nam đứng trước sức ép chính sách “ngoại giao pháo hạm” của phương Tây.

Tuy nhiên, các cuộc thương thảo giữa Roberts với nhà Nguyễn bất thành vì các điều khoản “bất bình đẳng”, “không phù hợp” với luật pháp của triều đình đương thời, mà thực chất là do Triều Đình nhà Nguyễn muốn tiếp tục duy trì chính sách “bế quan tỏa cảng”. Đây cũng là lần đầu tiên một cơ hội ký hiệp định thương mại với phương Tây, một cơ hội giúp hiện đại hóa, phát triển đất nước để chống lại sự xâm lăng của phương Tây sau này đã bị Triều đình nhà Nguyễn bỏ lỡ.

Chỉ đến khi thực dân pháp nổ súng và đặt chân lên Đà Nẵng năm 1858 mở đầu cuộc xâm chiếm nước ta thì Triều đình nhà Nguyễn mới “sực tỉnh”, thấy rằng cần phải dựa vào các cường quốc bên ngoài để giữ nền độc lập và Mỹ là một trong những lựa chọn đầu tiên để “cầu viện”.

Tuy nhiên, chuyến đi của học giả Bùi Viện sang Washington DC năm 1873 không đem lại kết quả do không gặp được gặp được Tổng thống Ulysses Grant để đề nghị Mỹ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với triều đình nhà Nguyễn.     

Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng cho Việt - Mỹ đương đại

Hơn 70 năm sau chuyến đi của Bùi Viện, các chuyển dịch địa - chính trị và sự trùng hợp lợi ích quốc gia của Việt Nam và Mỹ trước Chiến tranh thế giới 2 một lần nữa đưa hai dân tộc xích lại gần nhau. Lúc này Việt Minh và tổ chức vũ trang vừa mới thành lập là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam sau nay) rất cần vũ khí và huấn luyện  bài bản để đánh Nhật.

Về phía Mỹ, sau khi chính thức tuyên chiến với Nhật ngày 8/12/1941, mục tiêu tối cao của Mỹ là đánh bại Nhật trên khắp chiến trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Dương. Do đó, Mỹ có nhu cầu tìm đồng minh, đối tác chống Nhật thông qua việc cung cấp vũ khí, huấn luyện, thu thập thông tin tình báo và cứu giúp phi công Mỹ gặp nạn. Chính sự song trùng lợi ích này đã đưa Việt Minh và OSS trở thành đồng minh, đối tác tiềm tàng.   

“Cơ hội” với chúng ta đã đến khi một máy bay Mỹ bị Nhật bắn rơi tại Cao Bằng tháng 3/1945 và viên phi công William Shaw được Việt Minh cứu sống. Hồ Chí Minh lúc này đang hết sức bận rộn chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, nhưng với sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược, đã quyết định tự mình đem viên phi công sang Côn Minh trao trả trực tiếp cho Tướng Claire Chennault, Chỉ huy Phi đội “Cọp Bay” danh tiếng và là người có uy tín với quân đội Mỹ.

Tại sao Người lại đi đến quyết định như vậy? Trước hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ “giá trị” của William Shaw trong việc tạo sự kết nối giữa Việt Minh với OSS, với nước Mỹ. Bằng việc trực tiếp đưa William Shaw sang Côn Minh, Hồ Chí Minh đã làm một công, đôi ba việc.

Thứ nhất, kết hợp sứ mạng nhân đạo với sứ mạng ngoại giao và thông qua cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo quân sự cao nhất của Mỹ tại khu vực là Chennault người muốn khuếch trương thanh thế của Việt Minh cả ở trong nước và trên quốc tế.

Thứ hai, đề nghị Mỹ trợ giúp Việt Minh về vũ khí, thông tin liên lạc, huấn luyện để “đổi” lại việc Việt Nam hợp tác với Mỹ đánh Nhật, mà trên thực tế thì điều này cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Thứ ba, đặt nền tảng cho việc đề nghị Mỹ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam sau này.

Từ kết quả chuyến đi trên, Mỹ đã lập Đội con nai (Deer Team) gồm một số sĩ quan OSS nhảy dù xuống Cao Bằng mùa hè năm 1945 và thực hiện một số trợ giúp về quân sự cho Việt Minh theo yêu cầu của Hồ Chủ tịch. Sự trợ giúp này kết thúc ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15/8/1945 và OSS coi như “hoàn tất sứ mạng”.

{keywords}

  Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo "Con Nai" Mỹ tại Tân Trào năm 1945. Ảnh tư liệu

Tuy hợp tác quân sự chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời “địch vận”, tranh thủ cảm tình của một số sĩ quan OSS, hy vọng họ trở thành sứ giả thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ sau này.

Chính một trong các nhân viên OSS đã giúp Hồ Chủ Tịch có được bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ để người trích đoạn đưa vào Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Việc trích dẫn tuyên ngôn độc lập của nước khác đưa vào bản tuyên ngôn độc lập của nước mình là một việc làm hy hữu trên thế giới. Bằng việc này Hồ Chủ Tịch cho thấy sự kế thừa tinh hoa, giá trị tốt đẹp của nhân loại thế hiện trong câu chữ của bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Mỹ.

Thông qua đó, Người cũng nhắn gửi tới quốc dân và đồng bào khắp năm châu rằng một nước Việt Nam mới chia sẻ các giá trị chung của nhân loại trong tiến trình hội nhập vào cộng đồng các quốc gia văn minh. 

Sau đó, Người gửi bức thư thứ hai đề ngày 28/2/1946 cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, đề nghị Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và phản đối thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương.

Tuy nhiên, bức thư đã không đến được tay Tổng thống Truman. Và lúc này bàn cờ quan hệ giữa các nước lớn bắt đầu dịch chuyển sang trạng thái mới của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ưu tiên cao nhất của Mỹ lúc này là giữ được “thế trận” ở châu Âu, tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt, trong đó có Pháp, để “kiềm chế” Liên Xô.

Để đánh đổi, Mỹ hạ thấp “khẩu hiệu” phi thực dân hóa và ngầm bật đèn xanh cho cựu cường quay trở lại các thuộc địa cũ, như Pháp ở Đông Dương, Hà Lan ở Indonesia, Anh ở Malaysia… Còn Hồ Chủ Tịch và nhân dân Việt Nam thì quyết tâm đến cùng để bảo vệ nền độc lập, coi đây là mục tiêu tối thượng không thể thỏa hiệp. Điều này, vô hình trung tạo ra bối cảnh mới đẩy Mỹ và Việt Nam vào cuộc chiến một mất, một còn sau này.

Còn nữa

Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao)