2010 là một năm được đánh dấu bằng sự hồi phục chậm trễ của các nền kinh tế, cuộc khủng hoảng ở châu Âu, các kích thích, cắt giảm thuế và tranh luận về ngân sách. Chính sách ngoại giao không có gì đáng nói. Iraq vẫn chưa hoạt động tốt nhưng ổn định, Afghanistan bất ổn nhưng không tệ hơn so với trước kia. Quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới được định hình tương đối. Do đó, gọi 2010 là năm của khủng bố nghe chừng là kỳ quặc song thực tế lại là như vậy.
TIN LIÊN QUAN:

"Số lượng và tốc độ tiến triển của các âm mưu tấn công Mỹ trong vòng 9 tháng qua đã vượt quá số các âm mưu tấn công ở bất kỳ quãng thời gian 1 năm nào trong các năm trước", báo cáo hồi tháng 5/2010 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết. Âm mưu làm nổ tung các máy bay chở hàng bằng việc gài bom vào các hộp mực in tháng 10/2010 đã khẳng định điều này. Việc này không chỉ xảy ra với Mỹ, hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết, các vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước này tăng gấp đôi trong 2010.

Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của một dạng chiến tranh mới: các vụ khủng bố nhỏ, xuất phát từ cấp địa phương với những kẻ tấn công không triển khai các chiến dịch lớn hay hoành tráng để thu hút chú ý của công chúng mà chọn những kế hoạch có thể thành công. Sáng kiến này do các phần tử Al Qaeda đi đầu dù hiện vẫn chưa rõ có phải Bin Laden hay Ayman al-Zawahiri lãnh đạo hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi hai tên trùm khủng bố này hoàn toàn không liên quan tới hiện tượng trên thì nó cũng không làm công chúng và giới lãnh đạo bớt lo lắng. Có thể nhấn mạnh rằng nét tiêu biểu đặc trưng của các vụ khủng bố nhỏ là nó không phải tiến hành ở phần trên mà bùng nổ từ bên dưới.

Trên tạp chí online của al-Qeada là Inspire, các biên tập viên giải thích lý do căn bản đằng sau khủng bố nhỏ như sau: "Chúng tôi không cần tiến hành những vụ tấn công lớn. Đánh kẻ thù là để cho chúng chảy máu tới chết". Chảy máu tới chết là thuật ngữ được dùng để chỉ "Chiến lược một nghìn vết cắt". Một bài viết khác trên mục lục của Inspire cho biết, chi phí để tiến hành Chiến dịch xuất huyết - đánh bom mực in chỉ tốn tổng số tiền là 4.200 USD cho chi phí mua 2 máy in, 2 điện thoại và phí tổn vận chuyển. Với tên gọi đầy ngụ ý, Inspire - truyền cảm hứng, mục đích của trang web này là thu hút, tuyển mộ những thanh niên trẻ ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ trở thành một kẻ đánh bom liều chết.

Trong suốt những năm 1990, Al Qaeda đã tiến hành hàng chục chiến dịch ở một số quốc gia, lên kế hoạch đánh bom đồng loạt (như vụ các sứ quán ở Kenya và Tanzania) và nhằm vào các mục tiêu lớn như tàu khu trục USS Cole. Đỉnh điểm chiến dịch của Al Qaeda là khủng bố nước Mỹ bằng các vụ tấn công gần như đồng loạt vào năm 2001, tấn công trung tâm kinh doanh mang tính biểu tượng, tòa nhà chính phủ, trụ sở chính của quân đội Mỹ. Hiện nay, bị đánh ở Afghanistan và Pakistan, túi tiền bị giám sát chặt, các lãnh đạo thường xuyên bị tấn công, al-Qaeda quyết định tập trung phá hoại cuộc sống của dân phương Tây thông qua hàng loạt những vụ tấn công nhỏ.

Có một điều đáng lưu ý rằng loại hình khủng bố như trên sẽ không sản sinh ra các chiến dịch khiến thế giới choáng váng. Những nỗ lực đơn lẻ, nếu có thành công, cũng gây ra những tác động lớn. Tuy nhiên, sự quả quyết này có thể chỉ là sự phản ánh của công nghệ ngày nay chứ không phải là dự đoán chính xác về tương lai. Khủng bố quy mô nhỏ đang đặt cược vào một sức mạnh lớn có ảnh hưởng tới toàn thế giới: sự dân chủ hóa công nghệ. Ở mọi nơi, chúng ta có thể chứng kiến cảnh quyền lực chuyển dịch từ các tổ chức lớn sang cho những cá nhân.

Khủng bố quy mô nhỏ về cơ bản là bất đối xứng. Nó dùng sức mạnh của sự nhỏ bé nhưng cứng cáp để phát hiện hoặc kiểm soát. Khủng bố quy mô nhỏ tỏa ra từ các quốc gia như Afghanistan, Yemen và Somalia; Khi Mỹ cố gắng tiến sâu vào những khu vực tồi tệ này để chống kẻ thù, Mỹ sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm những kẻ khủng bố. Chương trình nghị sự của Mỹ sẽ phải thay đổi nhanh chóng thành ổn định quốc gia đó và trao cho ít viện trợ nhằm giúp đỡ xây dựng đất nước. Đó là điểm yếu mà những tên khủng bố tìm ra tại các quốc gia trên nên chúng chỉ cần ấn nấp và gửi thư gắn bom.

Sự phức tạp và chia rẽ lớn sẽ xảy ra khi những kẻ khủng bố gồm cả công dân phương Tây, vốn không có tiền sử tham gia thánh chiến. Hiện giờ, khủng bố quy mô nhỏ mới chỉ là vấn đề nhỏ do ít người thực hiện và chỉ có vài vụ thành công. Tuy nhiên, khi công nghệ được dân chủ hóa, tiếp cận thông tin được giải phóng, những thứ tốt đẹp cũng sẽ dẫn tới dân chủ hóa bạo lực.

Hoài Linh (Theo Time)