Lắng nghe không gian mạng
Trong các bình luận có những ý kiến phê phán mạnh, rằng tấm áp phích đó là giả mạo, rằng tôi vi phạm pháp luật và không có đạo đức nghề nghiệp vì truyền tin giả. Có người còn gọi điện bảo tôi phải gỡ cái status. Một vài tờ báo, trang tin thậm chí còn đăng tin, cơ quan chức năng đang điều tra đối tượng tung “ảnh chế” “bôi nhọ” SEA Games.
Ôi trời đất ơi! Chỉ là chuyện một cái áp phích in lỗi có thật hay không thôi mà, sao lại quy về việc bôi nhọ! Cơ quan nào đi điều tra việc như thế. Làm sao một cái áp phích in sai lại có thể ảnh hưởng đến chính quyền cơ chứ.
Cái áp phích đó tồn tại trên thực tế, nguồn tin có trách nhiệm và những người dân tận mắt nhìn thấy cái áp phích đó khẳng định với tôi. Rốt cuộc tôi không rút status đó; còn các bản tin về điều tra việc “bôi nhọ” cũng được lặng lẽ rút đi.
Sẽ có người đặt câu hỏi, vì sao trong tư cách nhà báo tôi không viết bản tin đó trên báo mà lại trên Facebook? Đó là câu hỏi xác đáng nhưng tôi xin trả lời bằng một câu hỏi gợi mở: “Thế bạn có đọc được tin về tấm áp phích sai chính tả đó trên báo chí chính thống không?”
Không phải điều gì cũng được phản ánh trên báo chí chính thống. Tấm áp phích in sai cũng vậy, dù nó đáng. Đăng status trên Facebook nhân sự kiện SEA Games nước ta tổ chức, tôi chỉ có mục đích là thu hút sự chú ý của nhiều người về thực trạng dùng sai ngữ pháp, chính tả khá tràn lan, đáng báo động. Đừng đổ lỗi cho “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, việc sử dụng sai chính tả thể hiện sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan.
Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều chuyện đau đầu hay vui vẻ mà tôi trải qua khi chơi mạng xã hội. Khỏi phải nhắc lại, mạng xã hội đã thay đổi cách truyền thông như thế nào trên toàn thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Trên các nền tảng đó, bất kỳ ai cũng có thể viết, đăng video nhanh nhất; mỗi người dân đều có thể trở thành người đưa tin, nhà phân tích, nhà bình luận - điều không thể khi chỉ có báo chí truyền thống khoảng 15 năm trước.
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, người cũng “chơi face” với những status rất thú vị, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đọc báo in để biết ý Đảng. Đọc báo mạng để hiểu lòng dân”. Còn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng viết: “Dùng mắt của người dân để nhìn thì có thể nhìn thấy mọi thứ. Dùng tai của người dân để nghe thì có thể nghe thấy mọi điều. Tai mắt của người dân hiện nay là trên không gian mạng. Lắng nghe không gian mạng là biết được cái hay, cái dở của chính sách, là biết được những hành vi tiêu cực”.
Đến tháng 4, có hơn 80,4 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, tương đương hơn 80% dân số, theo thống kê của một tổ chức quốc tế. Dù các ý kiến theo chiều hướng nào, thì đó đều là của người dân. Trong bối cảnh đó, làm sao có thể quay lưng lại mạng xã hội!
Báo chí lẽ ra đã có thể làm tốt hơn
Tháng 3/2020, khi nhiều địa phương phong tỏa để chống làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên, tôi viết bài báo “Lịch sử rồi sẽ phán xét chúng ta” với hàm ý, cách chúng ta chống dịch rồi sẽ được đánh giá, xem xét lại sau này, như nhiều nơi trên thế giới. Trong các bài báo khác, tôi viết, Việt Nam ta sẽ là một trong những quốc gia cuối cùng mở cửa lại với bên ngoài nếu cách chống dịch không thay đổi và thiếu vắc xin sau khi chúng ta đã đóng cửa bầu trời sớm nhất thế giới. Nền kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ chỉ bình thường lại khi chúng ta đạt miễn dịch cộng đồng.
Tôi kiên trì đề xuất, bên cạnh việc nhà nước tổ chức cách ly thì nên trao quyền chữa bệnh cho công dân, tức là để họ ở nhà chữa trị bệnh vì ở nhà mới được ăn, uống và thuốc men tốt hơn nhiều trong các cơ sở thu dung.
Tất nhiên, trong 2 năm đằng đẵng chống dịch, không phải lúc nào cũng có thể viết thẳng băng như vậy trên báo. Nhưng ngay cả trên Facebook, nhiều status của tôi liên quan đến dịch bệnh, nhất là chuyện miễn dịch cộng đồng, bị phản đối nặng nề. Có người gọi điện chửi bới, có người viết status phê phán, có người đơn giản là unfriend (hủy kết bạn).
Không sao cả. Ai chả lo lắng với dịch bệnh. Tôi tiếp tục đưa ra những phân tích thẳng thắn, rằng với biến chủng Delta, sau này là Omicron, con virus này là không thể ngăn chặn được vì các yếu tố bao gồm hệ số lây nhiễm cao (8-9), thời gian ủ bệnh lâu (3-4 ngày), tỷ lệ người mang virus không có triệu chứng và có triệu chứng thấp rất cao (hơn 80% với Delta và 94% với Omicron)… Song cách chữa bệnh Zero Covid vẫn duy trì thêm một thời gian.
Hệ lụy của nó là gì?
Về mặt tâm lý xã hội, F0 bị “bóc tách khỏi cộng đồng” gây tâm lý sợ hãi, trốn tránh, làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan. Về mặt y tế, chúng ta đã tập trung quá lớn vào khâu dự phòng, bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ ra để “truy vết”, vận hành các cơ sở thu dung, nơi 80% là không có triệu chứng hoặc nhẹ. Lẽ ra nguồn lực đó cần được san sẻ, đầu tư cho khâu điều trị với máy thở, thuốc men, giường bệnh (sau này là vắc xin)... từ khâu dự phòng để chăm sóc hiệu quả thiểu số những bệnh nhân nặng nhất. Một khi khâu dự phòng đổ bể thì khâu điều trị cũng bị cuốn phăng theo rất dễ dàng.
Về mặt kinh tế, cứ có F0 là phong tỏa cả nhà máy, bệnh viện, chợ búa, công sở… Sản xuất bị đứt gãy, giao thông bị đình đốn, nơi thì thừa nông sản, thuỷ sản, nơi dân đói cùng kiệt. Mỗi địa phương là một lãnh địa thì làm sao giữ được mặt trận kinh tế. Vì sao chúng ta lại bị xếp hạng 121/121 liên tục trong 2 tháng của Nikkei Covid-19 Recovery Index?
Những dòng chữ trên tôi viết ở đâu? Xin thưa, viết trên báo, sau khi tôi đã thử đưa ra vài ý trên Facebook. Thật may mắn, đa số bình luận trên báo đều ủng hộ.
Từ tháng 7/2020, tôi đã viết các status về sự cần thiết phải mua vắc xin, và kiên trì đề xuất phải trao quyền chống dịch cho người dân, để người mang virus tự chữa trị ở nhà. Nói một cách đơn giản, cách ly tập trung là gây bội nhiễm thì làm sao chống dịch được.
Trong hơn 2 năm chống dịch tôi kiên trì viết gần như cô đơn ngược dòng, viết trước vài ý trên mạng xã hội rồi từ đó phát triển thành bài báo vì tôi biết, các quan điểm đó vẫn cần thiết.
Bây giờ đọc lại thì thấy những điều như trên là bình thường vì xã hội chúng ta đã đạt mức miễn dịch cộng đồng, vì ai cũng đã tiêm chủng hay nhiễm virus và vì cuộc sống đã gần như trở lại bình thường cũ. Nhưng trong 2 năm dịch bệnh mà kiên trì viết như vậy, có người nói với tôi, là khá điên rồ và nguy hiểm.
Kể từ ngày 11/10/2021 khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128, chính thức thay đổi cách chống dịch từ Zero Covid sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” Covid-19 thì tôi gần như không viết về dịch bệnh trên Facebook. Có lẽ, viết thêm sẽ bị quy là “ngạo nghễ”, “hiếu thắng”, mà tôi thì không có ý như vậy. Tôi chỉ tập trung viết về chuyện hồi phục kinh tế, cả trên báo và Face.
Nhận thức là một quá trình và nhận thức đó đã được chấp nhận, phổ biến. Rốt cuộc, điều đáng mừng là Việt Nam chúng ta đã có đủ vắc xin và mở cửa ra với thế giới, sớm hơn không ít quốc gia khác. Tôi viết trên Facebook, những người mang vắc xin về là “tạo ân lượng vô biên” với người dân.
Đại dịch gây đau thương cho toàn nhân loại, và thật khó để đánh giá cái gì đúng, cái gì sai trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng. Song, báo chí lẽ ra đã có thể góp phần tốt hơn trong công cuộc chống dịch. Chẳng hạn, nếu đặt một số câu hỏi phản biện, có điều tra về năng lực sản xuất của Việt Á, về chuyện vì sao người Việt không được về quê hương… thì có lẽ báo chí đã giúp ngăn chặn những vụ Việt Á hay bay giải cứu diễn ra.
Dịch bệnh đã làm đứt đoạn chuỗi status mang tên “Khát vọng”, trong đó, bằng các số liệu và các câu chuyện thực tế trong nước và quốc tế, tôi cố gắng phân tích và đề xuất các giải pháp để nền kinh tế tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và vươn lên khỏi tình trạng tụt hậu. Những status đó, sau này được phát triển thành các bài báo, được đa số các bạn facebook của tôi đồng tình, ủng hộ.
Tôi là một nhà báo hay một facebooker? Có người hỏi tôi như vậy. Nhà báo chứ, tôi luôn đáp. Tôi sống bằng nhuận bút chứ có phải bằng các status đâu. Nhưng mạng xã hội rõ ràng là hấp dẫn đến mức gây nghiện dù nhiều cạm bẫy. Song khi viết trên mạng hay trên báo tôi luôn ghi nhớ “Lời nói đọi máu”. Không thỏa hiệp với cái sai, nhưng phê phán, chỉ trích với ngôn ngữ nặng nề quá, làm mất mặt người ta quá thì vừa không có tác dụng, vừa nguy hiểm.
Tư Giang
“Lá thư Tổng biên tập” báo Thanh Niên phát hành số chủ nhật ngày 22/8 được trám vào vị trí lâu nay của chuyên mục Chào buổi sáng quen thuộc thật là một tin buồn.