Dư âm của những bài phản biện
Tôi làm công việc liên quan đến khoa học kỹ thuật nhưng đam mê viết báo từ khi còn ở lứa tuổi thanh niên. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời viết báo của tôi có lẽ là loạt bài báo phản biện về dự án đầu tư nhà máy giấy và bột giấy Hải Phòng.
Hồi đó, nhiều người, kể cả một số bậc trưởng thượng hỏi tôi, dự án nhà máy giấy và bột giấy ở khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng, do tập đoàn Cửu Long đầu tư hơn 800 triệu đô la Mỹ, lãnh đạo thành phố bật đèn xanh ủng hộ, sẽ tác động như thế nào về kinh tế và môi trường nếu đi vào hoạt động?
Sau khi nghiên cứu tài liệu, tôi viết một tuyến bài đăng trên một số báo và dự thảo một số bài viết khác dự định cho Tuần Việt Nam, VietNamNet và một vài tờ báo điện tử khác.
Lâu nay trên thế giới, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng bởi vì phải khai thác các nguồn xenlulo tự nhiên, sử dụng nhiều chất tẩy, hóa chất độc hại. Việc tái chế giấy còn thải ra nhiều chất độc hại, rất nguy hiểm hơn nữa.
Nội dung các bài viết báo động dự án nhà máy giấy và bột giấy sẽ gây ô nhiễm nhãn tiền ở cửa ngõ ra biển lớn nhất ở miền Bắc nước ta.
Điều đáng lo ngại nhất ở đây là phế liệu giấy sẽ được nhập khẩu, xử lý sơ bộ rồi xuất đi trong khi còn hậu quả về môi trường thì Việt Nam phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, vị trí của siêu dự án nhà máy giấy và bột giấy rất gần khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (được UNESCO công nhận ngày 02 tháng 12 năm 2004), với nhiều hệ sinh thái nhạy cảm. Dự án ở đầu nguồn khu Du lịch Đồ Sơn, đầu nguồn vùng quy hoạch nuôi thủy sản Kiến Thụy, Tiên Lãng, gây phản cảm cho khu du lịch Cát Bà – Hạ Long.
Dự án nằm ở đầu hướng gió chủ đạo đối với khu vực nội thành, nhất là khu hành chính Bắc Sông Cấm đang xây dựng, nơi có cơ quan đầu não của thành phố, khu vực này sẽ lĩnh đủ khí thải của nhà máy giấy này. Đấy là chưa kể nước thải của nhà máy sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước ngọt đã khan hiếm của Hải Phòng trên các sông Đa Độ và sông Họng…
Trong bài báo, tôi dẫn kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05-8-2003 của Bộ Chính trị khoá IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, theo đó Hải Phòng muốn phát triển thành Thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại thì không thể chấp nhận phát triển loại hình tái chế phế liệu giấy khủng như nhà máy giấy và bột giấy Cửu Long. Hơn nữa, loại dự án này không nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư theo Quyết định 2523/QĐ-UBND của Thành phố Hải Phòng.
Thật may mắn, lãnh đạo Hải Phòng đã biết lắng nghe, cho dừng và hủy dự án nói trên.
Học tập Hải Phòng, các cơ quan chức năng môi trường cũng đã bác bỏ đề xuất cho mở rộng dự án nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang.
Chúng ta vui mừng và hoan nghênh sự nhạy cảm kịp thời ấy của lãnh đạo cấp cao nhất thành phố Hải Phòng đã tránh cho Thành phố khỏi những sự “đã rồi” đáng tiếc. Hy vọng quyết định của Hải Phòng sẽ là bài học hữu ích cho Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Viết báo phải có cái tâm sáng, trọng sự thật
Tôi muốn kể lại câu chuyện trên nhân dịp 21/6 để nói rằng, nhà báo cần có can trường để đương đầu với áp lực và thách thức, dũng cảm để không khuất phục trước sự áp đặt và đấu tranh vì thông tin chính xác và công lý. Đối mặt với những nguy hiểm và khó khăn, họ dấn thân không ngại ngùng tiếp tục công việc của mình với sự tận tụy và đam mê.
Các nhà quản lý cần tôn trọng và ủng hộ cho công việc của những người làm nghề nhà báo, đồng thời khuyến khích những tinh thần can đảm, trung thực và đam mê trong nghề này.
Theo tôi, trách nhiệm công dân là một điều thiêng liêng, viết báo trung thực đã là một cách dấn thân rồi, nhưng phải biết bảo vệ mình - đó là nghệ thuật, là tay nghề của người viết báo.
Viết báo, đăc biệt là viết về các vấn đề mang tính phản biện, đòi hỏi người viết phải có các tố chất: Hiểu biết rộng, có khả năng khái quát cao, biết đánh giá tốt, xấu, phát hiện cái mới, nhân tố tích cực, nhìn thấy cái lạc hậu, tiêu cực, biết định hướng công luận, thúc đẩy sự tiến bộ và luôn tôn trọng quá khứ lịch sử, có đạo đức nghề nghiệp, có lòng dũng cảm, sống tích cực, không bảo thủ và sẵn sàng hợp tác trên cơ sở các bên cùng thắng.
Viết báo phải có cái tâm sáng, luôn tôn trọng sự thật, có trách nhiệm xã hội cao và sẵn sàng chịu trách nhiệm về động cơ của mình và biết xin lỗi và hiệu đính khi sai sót. Điều đặc biệt quan trọng của người viết báo là biết được "giới hạn đỏ" để mình không bị "bại trận".
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, phân tích, và phản ánh các vấn đề xã hội. Viết báo là một công việc đầy trách nhiệm và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Không nhất thiết cứ phải học trường báo chí, có thể chính thống mới là nhà báo. Xưa kia, một số người làm báo chuyên nghiệp (như Nguyễn An Ninh, Vũ Bằng, ...) vừa làm văn, vừa làm báo (như Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Phan Khôi...). Nay có điều kiện, các nhà khoa học, chuyên gia cũng tham gia viết báo vì những vấn đề của xã hội không của riêng ai.
Tôi xin chia sẻ, đồng cảm với các nhà báo luôn đau đáu về vận nước, phải vắt óc, chắt lọc từng con chữ để phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân và thổi hồn cuộc sống vào từng bài báo được bạn đọc quan tâm đón đọc, và với các nhà báo nhiều khi chẳng vượt được khỏi “vòng kim cô”, không viết được điều mình muốn nói mà cuộc sống đang mong đợi.
Báo giới luôn là một tiếng nói quan trọng. Trong môi trường chính trị “đặc thù” của nước ta hiện nay, báo chí càng quan trọng và gần như là nguồn phản biện quan trọng nhất vì người dân, vì sự phát triển của đất nước. “Chén rượu thưởng” dành cho các nhà báo dám dấn thân vì đất nước và dân tộc chắc chắn đến từ người dân. Nhận thức xã hội cũng đã và đang âm thầm thay đổi và lớn lên. Các bài viết tốt của các nhà báo đã đóng góp hiệu quả vào quá trình đó.
Luật báo chí 2016 đã ghi rõ báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong xã hội. Trong xã hội hiện đại thì báo chí cũng chính là công cụ cung cấp thông tin chính và phản hồi ý kiến về các vấn đề của công chúng. Nói một cách rộng hơn, báo chí là nơi các luồng quan điểm khác nhau được thể hiện và cũng là nơi các sự thật được phơi bày.
Quyền được nói nên sự thật là một quyền con người, nó không thể bị cấm đoán, bị ngăn cản hay bị trừng phạt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng” (HCM. Toàn tập. Nhà xuất bản Sự thật 1984 - tập 4). Bởi chỉ như vậy thì mới là một nền dân chủ thật sự chứ không phải là dân chủ giả hiệu.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã từng nói với báo giới và văn nghệ sĩ trong một sự kiện năm 1987 “văn nghệ phải nói nên sự thật, dù là sự thật phũ phàng nhưng mà có thật… đừng uốn cong ngòi bút, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình”, để rồi sau đó Tổng bí thư đã có tới 18 bài báo trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân.
Nếu nói nhà báo là thư ký của thời đại thì viết báo là một nghề thật cao quý. Tuy nhiên, để làm được chức phận ấy thì nhà báo phải có đủ sự can trường, dũng cảm và dấn thân như ý thơ Cụ Đồ Chiểu: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!"
Việc viết báo có thể mang lại niềm vui rất lớn khi được nhiều độc giả quan tâm đón nhận, chia sẻ và kết bạn, khi được gọi là “nhà báo công dân”. Victor Hugo, nhà văn hào Pháp đã khẳng định rằng: "Hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ thấy chân lý".
Năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam cũng đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà báo chống phát xít J. Fucik với dòng chữ thấm máu của ông trong tác phẩm nổi tiếng "Viết dưới giá treo cổ": "Hỡi loài người mà tôi yêu quý, hãy cảnh giác!"
Tô Văn Trường