- Trước thềm Đối thoại chiến lược Việt - Anh thường niên, Đại sứ Giles Lever nhận định hai nước đang chuyển từ quan hệ viện trợ sang quan hệ bình đẳng về thương mại, đầu tư, giáo dục...  

Trao đổi với VietNamNet, Đại sứ Anh cho biết Đối thoại chiến lược năm nay rất quan trọng vì hai nước đều có những sự kiện quan trọng sắp tới, ở Anh là tổng tuyển cử, ở VN là bầu cử đại biểu QH, HĐND các cấp và Đại hội Đảng.

Đối thoại là cơ hội xem xét những thành tựu đạt được từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, nhìn nhận toàn diện mối quan hệ dựa trên 7 trụ cột: quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và đầu tư, các vấn đề toàn cầu và khu vực, hợp tác phát triển bền vững, giáo dục và khoa học, an ninh và quốc phòng, quan hệ nhân dân.

Phát biểu gần đây tại Singapore về vai trò của Anh ở châu Á - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã nhấn mạnh dù có những thách thức sát sườn phải giải quyết như tình hình Ukraina, nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông..., nước Anh sẽ không sao nhãng nhiệm vụ xây dựng các quan hệ hợp tác chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ với VN cũng nằm trong quan hệ chung đó.

Do đó, bên cạnh các vấn đề song phương, hai bên sẽ bàn các vấn đề khu vực và toàn cầu mà VN, một quốc gia quan trọng trong khu vực ASEAN, có thể góp phần giải quyết như biến đổi khí hậu, buôn bán động vật hoang dã, gìn giữ hòa bình LHQ...

{keywords}
Đại sứ Anh Giles Lever. Ảnh: ĐSQ Anh tại VN

Đại sứ Anh nhấn mạnh: Anh đang rút dần các hoạt động viện trợ cho VN, vốn là điểm nhấn của quan hệ hai nước từ 10 năm trở lại đây. Nhưng như thế không có nghĩa là sự cam kết của Anh đối với VN giảm đi, mà là hai nước "tái cơ cấu" quan hệ, từ quan hệ truyền thống người viện trợ - người nhận viện trợ sang quan hệ bình đẳng về thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học... 

Hợp tác quốc phòng

- Hợp tác quốc phòng là một điểm mới trong quan hệ hai nước. Trong năm ngoái và có lẽ sẽ tiếp tục trong năm nay, nhiều nước lớn trên thế giới đã tăng cường hợp tác quốc phòng với VN như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, nay nước Anh cũng quan tâm. Vậy Anh kỳ vọng gì về hợp tác quốc phòng với VN?

Nước Anh chọn cách tiếp cận mang tính toàn thể với quan điểm rằng an ninh quốc gia là vô cùng quan trọng, chúng tôi muốn thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế và vai trò của các hệ thống pháp quyền quốc tế. Như Ngoại trưởng Anh đã nói ở Singapore: Chúng tôi muốn thấy một châu Á dựa trên pháp quyền chứ không phải cường quyền. 

Do đó nước Anh muốn trên bình diện toàn cầu có một mạng lưới tốt các quan hệ hợp tác quốc phòng với càng nhiều nước càng tốt, để có kênh trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng những kế hoạch và chiến lược quốc phòng... Nước Anh vốn có nền tảng hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như với Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia.

Bên cạnh đó, trên biển có những lĩnh vực mà nước Anh có thể hợp tác với VN, như thuỷ văn học, giáo dục và đào tạo sĩ quan quốc phòng mà nước Anh rất có danh tiếng.

Yếu tố khu vực cũng quan trọng. ASEAN đang ngày càng trở thành khối có vai trò trong bức tranh an ninh khu vực với các cơ chế như Diễn đàn khu vực châu Á, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Những sáng kiến hợp tác quốc phòng mà chúng tôi nói đến hầu hết liên quan đến ASEAN mà VN là một thành viên.

VN là quốc gia với 90 triệu người, có vai trò ngày càng lớn trong khu vực, đang muốn củng cố năng lực quốc phòng của mình. Hai nước nên tăng cường khả năng đối thoại về các vấn đề an ninh trong khu vực và hợp tác nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Chúng tôi cũng quan tâm đến việc VN đóng góp nhiều hơn vào việc duy trì ổn định, hòa bình trên thế giới. Nước Anh rất hoan nghênh việc VN tỏ ý muốn tham gia nhiều hơn vào Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Chúng tôi muốn cùng làm việc với Bộ Ngoại giao và Quốc phòng VN để biết có thể làm gì giúp đỡ VN trong nhiệm vụ đòi hỏi sự chuyên nghiệp và hiệu quả này.

Tìm cách chống tham nhũng hiệu quả hơn

- Vừa rồi, ông đã lần đầu tiên chủ trì Đối thoại chống tham nhũng, và cũng là lần cuối cùng vì cơ chế này sẽ không được tiếp tục nữa. Vậy ông sẽ làm gì trong nhiệm kỳ để duy trì mối quan tâm và đóng góp vào công cuộc chống tham nhũng, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình ở VN?

Đối với tôi là lần duy nhất nhưng ĐSQ Anh đã chủ trì Đối thoại chống tham nhũng 4 lần kể từ khi được chuyển giao từ ĐSQ Thụy Điển. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc thay đổi. Các đối tác quốc tế khác cũng cho rằng dù Đối thoại chống tham nhũng đã có những hiệu quả nhất định, vẫn cần tìm các hình thức khác để đưa vấn đề chống tham nhũng một cách hiệu quả hơn. Ví dụ qua vai trò của doanh nghiệp. 

Các đối tác quốc tế sẽ vẫn có những chương trình song phương để hỗ trợ VN, nên việc ngừng Đối thoại chống tham nhũng không có nghĩa là cộng đồng quốc tế ngừng quan tâm đến chống tham nhũng ở VN, mà là chuyển sang hình thức khác.

Nhưng qua các lần chủ trì Đối thoại chống tham nhũng của ĐSQ Anh, tôi nhận thấy những chuyển biến tích cực: thông qua các cuộc điều tra khảo sát đã có thêm nhiều thống kê để hiểu rõ hơn tình hình thực tế, đưa ra một số khuyến nghị chính sách có thể thực thi như phòng chống rửa tiền. Và điều quan trọng là đã thúc đẩy vai trò của các thể chế phi chính phủ như doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, báo chí... trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Rõ ràng còn nhiều việc phải làm để đem lại hiệu quả rõ rệt hơn. Trước hết là giảm tham nhũng và cho người dân thấy có những hành động thực tế để kiềm chế tham nhũng. Các cơ quan phòng chống tham nhũng cần được củng cố và liên kết, người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cần được tạo điều kiện và an toàn để lên tiếng tố cáo tham nhũng và ý kiến của họ cần được lắng nghe.

Anh sẵn sàng tiếp tục hợp tác với VN trong lĩnh vực này, đây cũng sẽ là một chủ đề tại Đối thoại chiến lược.

Chung Hoàng