Vừa sợ cái nắng thiêu đốt làm đen da, nám da, vừa sợ ung thư da… chị em đổ xô mua các viên thuốc chống nắng. Thế nhưng, đằng sau những lời quảng cáo thần kỳ về các loại thuốc chống nắng có giá đắt đỏ đang được rao bán tràn lan, sự thật là tác dụng của chúng còn không bằng kem chống nắng.
Tác dụng ngay sau 30 phút uống?
Mùa hè, thời tiết nắng nóng cũng là lúc các mặt hàng chống nắng bán “đắt như tôm tươi”. Ngoài các sản phẩm váy áo chống nắng, kem chống nắng, trên thị trường hiện bán tràn ngập viên thuốc uống chống nắng.
Các loại viên thuốc uống chống nắng được quảng cáo rầm rộ rằng có "công dụng thần kỳ", khiến không ít chị em xiêu lòng. Đơn cử, trên website có tên Myphamh... cho rằng viên uống chống nắng Su... có khả năng chống nắng bảo vệ da hoàn hảo suốt 24 giờ.
Theo đó, chỉ cần uống 1 viên uống mỗi ngày sẽ giúp chống nắng và bảo vệ da toàn diện, khử toàn bộ tia UV, ngăn ngừa sạm nám, lão hóa da; thiết lập hàng rào bảo vệ tế bào da ngay từ bên trong; nuôi dưỡng da khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng cho da, chống ung thư da..v.v...
Viên uống chống nắng được bày bán tràn lan với những lời quảng cáo có cánh |
Trang web này cũng khẳng định thuốc chống nắng được sản xuất tại Mỹ, giá một hộp 30 viên lên tới 830.000 đồng.
Tương tự, facebook tên Nguyên My cũng quảng cáo loại viên uống trống nắng M. được sản xuất từ Mỹ. Đáng chú ý, thuốc không chỉ giúp tránh được tia cực tím UV, giảm quá trình lão hóa da, tàn nhang, sạm,… mà, theo Nguyên My, trước khi ra khỏi nhà, chị em chỉ cần uống duy nhất 1 viên mà không cần phải dùng kem chống nắng, thậm chí có thể phơi nắng mà vẫn không bị cháy nắng, đen da. Một viên thuốc chống nắng M. có giá lên tới 20.000 đồng, hộp 60 viên giá 1,2 triệu đồng.
Người bán còn quảng cáo thuốc chống nắng có dụng ngay sau 1 tiếng, thậm chí nhiều loại có tác dụng ngay sau 30 phút sử dụng.
Theo ghi nhận của PV.VietNamNet, trên thị trường đang có rất nhiều loại thuốc chống nắng xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, giá bán dao động từ 350.000-1,2 triệu đồng/hộp, tùy vào số lượng và xuất xứ. Song, viên uống chống nắng của Nhật giá thường rẻ bằng một nửa hàng Mỹ.
Đánh trúng tâm lý của chị em là sợ trời nắng nóng đi ra ngoài đường sẽ bị cháy nắng, đen da, thậm chí sợ bị ung thư da, nên dù giá bán khá đắt đỏ chị em vẫn đổ xô đặt mua.
Không bằng kem chống nắng
Bỏ hơn 1 triệu đồng để mua viên uống chống nắng, chị Hoàng Ngọc Linh ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ, vào đầu mùa nóng chưa được bao lâu mà da chị đã cháy đen dù đã mũ nón, váy áo che chắn khá kỹ. Trong lúc không biết phải làm gì để bảo vệ da, chị thấy đồng nghiệp trên cơ quan rủ nhau đặt mua viên thuốc chống nắng về uống nên chị cũng mua theo.
“Tôi mới uống được vài viên, chưa rõ công dụng của chúng có được như quảng cáo hay không nhưng giá thì khá đắt”, chị Linh nói.
Theo các chuyên gia y tế, cách chống nắng hiệu quả là đội mũ, mặc áo chống nắng khi đi ra ngoài |
Thực tế, ngày 22/5 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát đi thông báo khẳng định không một loại viên uống nào có thể thay thế kem chống nắng. Nhiều sản phẩm viên uống chống nắng được giới thiệu có khả năng chống nắng nhưng không mang lại lợi ích như được quảng cáo. Thay vào đó, còn gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và khiến mọi người gặp rủi ro.
FDA đã gửi thư cảnh báo tới các công ty tiếp thị thuốc viên và viên nang bất hợp pháp được dán nhãn là chất bổ sung chế độ ăn uống để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tác hại đến từ phơi nắng mà không đáp ứng các tiêu chuẩn của FDA về an toàn và hiệu quả.
Những công ty tiếp thị các sản phẩm viên uống chống nắng dạng viên nang với công dụng bảo vệ người dùng khỏi tác hại của tia UV, và ngăn chặn quá trình lão hóa sớm do tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều này, theo FDA, là đang gây nguy hiểm cho người tiêu dùng bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng một cảm giác an toàn giả tạo rằng chế độ ăn bổ sung có thể ngăn ngừa cháy nắng, giảm lão hóa da sớm do mặt trời hoặc bảo vệ khỏi nguy cơ ung thư da.
FDA khuyến cáo, thay vì uống viên chống nắng, người tiêu dùng nên sử dụng các loại kem chống nắng chuyên biệt, nên chọn loại có độ SPF từ 15 trở lên và nên thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Theo các chuyên gia y tế, đến nay không có biện pháp nào chống nắng đạt hiệu quả 100%. Cách tốt nhất là khi đi ra nắng cần phải thoa kem chống nắng, đội nón rộng vành, bịt khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng.
Châu Giang
Áo chống nắng Uniqlo Nhật chỉ tương đương hàng bình dân Việt?
Cần phải sử dụng máy móc mới đo được độ phản xạ tia UV của chất liệu vải. Và chưa hề có một kiểm định nào về chiếc áo này.
Ô chống nắng ngăn tia UV 100% giá 700 nghìn đồng: Lừa đảo?
Ô chống nắng, giá mỗi chiếc dao động từ 500.000 đồng đến gần 700.000 đồng, được quảng cáo có tác dụng gần như tuyệt đối với tia UV. Nhưng theo các chuyên gia, chưa có sản phẩm nào có khả năng ngăn tia tử ngoại tới 90-100% như vậy.
3,5 triệu đồng một chiếc áo chống nắng, ai mua?
Một số áo chống nắng được cho là cao cấp nhất, có chứng nhận của các tổ chức quốc tế về tác dụng chống tia tử ngoại thì có giá thành lên tới 1,5-2 triệu đồng, thậm chí có loại lên đến 3,5 triệu đồng một chiếc.
Áo chống nắng quái dị giá bạc triệu
Áo chống nắng kỳ dị có gắn quạt làm mát 2 bên sườn, áo chống nắng quảng cáo chứa tia UV chống ung thư... giá bạc triệu thu hút sự tò mò của nhiều người.