- Ngày 15/6, trong buổi tập huấn dành cho báo chí về HIV/AIDS, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng/chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã bày tỏ quan ngại về việc cắt giảm nguồn viện trợ đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.


80% kinh phí hoạt động từ viện trợ

Theo TS Cảnh, hiện tại kinh phí dành cho hoạt động phòng/chống HIV/AIDS của Việt Nam bị lệ thuộc tới 80% vào viện trợ quốc tế. Hiện nguồn tiền này đang dần bị cắt giảm, chính thức chấm dứt vào năm 2017. Như vậy đồng nghĩa, từ năm 2017 trở đi chúng ta hoàn toàn phải tự lo.

Trong khi đó, số liệu cập nhật mới nhất cho thấy Việt Nam đang có 227.114 người nhiễm HIV, 71.115 người bị AIDS còn sống. TP.HCM được ví như "chiếc rốn" của HIV, với 50.000 ca bệnh (chiếm ¼ trên tổng số bệnh nhân HIV toàn quốc).

Số người tử vong vì tai nạn giao thông khoảng 9.000 ca/năm được cho là khủng khiếp, nhưng lượng người qua đời vì HIV tại Việt Nam có năm cao điểm lên tới 15.000 trường hợp. Năm 2006, chúng ta ghi nhận đến hơn 30.000 ca HIV mới.

Nhờ nguồn viện trợ quốc tế và sự nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trên nhiều mặt, bắt đầu từ năm 2007 dịch HIV tại Việt Nam giảm ở cả 3 tiêu chí (người nhiễm mới, người chuyển qua AIDS, và tử vong). 

Bên cạnh đó, từ năm 2008 ngành y tế cũng thí điểm dùng Methadone điều trị thay thế cho các đối tượng nghiện ma túy, nhân rộng mô hình điều trị trên 170 điểm cho 31.000 bệnh nhân. Nhờ đó, chất lượng sống các đối tượng nghiện ma túy được cải thiện, quay trở lại lao động, học tập, tái hòa nhập cộng đồng.

{keywords}

TS Cảnh nói về các quan ngại khi nguồn viện trợ phòng/chống HIV bị cắt. Ảnh: Thanh Huyền.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc cắt giảm dần nguồn tiền viện trợ nên độ bao phủ phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy không đủ. Mạng lưới đồng đẳng viên cũng vì thế bị thu hẹp lại.

Nguy cơ bệnh nhân HIV kháng thuốc

Vào năm 2017, khi viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam bị ngưng hẳn, nếu không tìm được giải pháp thay thế nhanh chóng, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng.

“Những người nhiễm HIV sẽ chết. Những bệnh nhân HIV đang điều trị ARV sẽ bị kháng thuốc, nguy cơ căn bệnh thế kỷ bùng phát trở lại là khó tránh. Sau này, nếu có kinh phí để thực hiện tiếp chương trình thì sẽ tốn kém công sức, tiền bạc hơn gấp nhiều lần.”, TS Cảnh nói.

Chẳng hạn với một bệnh nhân HIV đang điều trị theo phác đồ 1 tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng/năm, khi bị kháng thuốc số tiền tiêu tốn gấp 10 lần.

Bên cạnh vướng mắc về nguồn kinh phí cho hoạt động phòng/chống HIV/AIDS, TS Cảnh còn đề cập tới vấn đề được nhiều người quan tâm: bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV.

Luật bảo hiểm sửa đổi bổ sung đã cho phép thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV nhưng còn nhiều bất cập.

TS Cảnh giải thích điều tồn tại: “Để được hưởng bảo hiểm y tế, trước tiên bệnh nhân phải có thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp đến phải điều trị, khám, lấy thuốc tại các điểm theo quy định. Thế nhưng trên thực tế, đa số địa điểm điều trị, cung cấp thuốc cho bệnh nhân HIV vẫn chưa phù hợp với quy định. Từ việc có chính sách cho tới lúc bệnh nhân được hưởng không phải một sớm một chiều.”

Trước những nguy cơ, bất cập nêu trên, TS Cảnh cho rằng, trong thời gian tìm nguồn tiền thay thế, chúng ta phải cố gắng gia hạn thời gian chấm dứt viện trợ. Đồng thời cần vận động UBND các TP. phê duyệt kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Thậm chí phương án thu phí dịch vụ với bệnh nhân HIV  được tính tới nhưng được cho là bất hợp lý, bởi bệnh nhân sẽ bỏ điều trị vì không có tiền.

Ngay cả việc sau này sẽ mua sắm thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV thế nào cũng là cả vấn đề.

“Tôi nghĩ rằng không thể để cho các tỉnh/thành tự đấu thầu được. Làm manh mún như thế giá thuốc sẽ bị đẩy lên cao. Nếu đặt mua thuốc cho vài ngàn bệnh nhân chắc chắn giá sẽ cao hơn đặt mua cho 5 triệu bệnh nhân.”, TS Cảnh nói.

Hiện tại, mỗi năm Việt Nam tiêu tốn từ 700 tỷ đồng – 1000 tỷ đồng cho thuốc ARV.

Để phòng/chống HIV/AIDS, ngành y tế khuyến cáo người dân không sử dụng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn.

Trên thực tế, còn rất nhiều người chưa có kiến thức, ý thức bảo vệ mình trước căn bệnh thế kỷ. Một khảo sát cho thấy các trường hợp quan hệ tình dục với bạn tình thì tới 50% không dùng bao cao su. 40% gái mại dâm bị nhiễm HIV không hề biết mình mắc bệnh…

Thanh Huyền