Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; VNPT Hà Giang đã triển khai thành công nhiều sản phẩm, ứng dụng CNTT đồng bộ, thống nhất trên quy mô toàn tỉnh. Đặc biệt, đơn vị đang triển khai nhiều hệ thống, nền tảng ứng dụng CNTT có tính chất “xương sống” phục vụ quá trình CĐS của địa phương.

Trong đó, có thể kể đến 7 hệ thống chủ lực, gồm: Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính công các cấp; quản lý công chức, viên chức; cổng thông tin điện tử tỉnh; mở rộng hệ thống camera giám sát an ninh tại thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang; xử án trực tuyến cho ngành Tòa án; nền tảng Cửa khẩu số và Trung tâm điều hành giám sát IOC thành phố Hà Giang.

 

ha giang 1.jpg
Ký kết hợp tác chuyển đổi số giữa lãnh đạo VNPT Hà Giang với lãnh đạo huyện Vị Xuyên.


Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc VNPT Hà Giang chia sẻ: Đơn vị thực hiện cung cấp, lắp đặt, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, triển khai thỏa thuận hợp tác về CĐS giữa Tập đoàn VNPT Việt Nam với tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 – 2025, đơn vị đã chủ động đề xuất, triển khai các giải pháp viễn thông – CNTT mới mang tính nền tảng, phục vụ tốt cho công tác CĐS, cải cách hành chính.

Qua đó, bảo đảm thông tin liên lạc cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển KT – XH và ổn định an ninh, quốc phòng địa phương. Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng năm tại đơn vị tăng trưởng từ 5% trở lên, đóng góp ngân sách Nhà nước trên 10 tỷ đồng/năm.

Phát huy hiệu quả trong thực tiễn, hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức được xem là giải pháp tổng thể giúp cho các cơ quan nhà nước theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong công tác.

Đến nay, VNPT Hà Giang đã hoàn thành cập nhật được trên 28.000 hồ sơ, đồng bộ lên hệ thống, giúp các đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ nhân sự hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trong tra cứu.

Cùng với đó, Trung tâm điều hành, giám sát thông minh IOC - thành phố Hà Giang đã phát huy hiệu quả rõ nét thông qua hệ thống tổng hợp, phân tích báo cáo trực quan trong nhiều lĩnh vực, thống kê tình hình phát triển KT – XH.

Qua đó, hình thành phương thức quản lý, điều hành số cho cấp ủy, chính quyền, tạo cơ sở phát triển hệ thống đô thị thông minh thành phố Hà Giang.

 

ha giang 2.jpg
VNPT Hà Giang hết lòng phục vụ khách hàng.


VNPT Hà Giang còn duy trì hiệu quả các dịch vụ hội nghị truyền hình, văn bản điện tử VNPT-iOffice, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu… đáp ứng các yêu cầu về tích hợp, kết nối với hệ thống dịch vụ công Quốc gia và các hệ thống hiện hành.

Đồng thời, triển khai hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các cơ quan khối Đảng, Nhà nước; cung cấp dịch vụ hệ thống trực tuyến liên thông 4 cấp tới 210 điểm cầu toàn tỉnh.

Xây dựng hiệu quả nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu đáp ứng các quy định của Chính phủ, các hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuân thủ khung kiến trúc của Chính phủ điện tử, tích hợp dữ liệu quan trọng giữa các hệ thống thông tin nội tỉnh với các hệ thống dịch vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung Quốc gia.

Khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh CĐS Quốc gia, với vai trò là đơn vị chủ trì công nghệ, VNPT Hà Giang đã phối hợp với Công an tỉnh gấp rút triển khai đào tạo nội bộ, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ giải pháp phục vụ triển khai cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử.

Ngoài ra, đơn vị đã hỗ trợ tổng thể giải pháp CNTT triển khai nhiệm vụ đột phá ngành Giáo dục; tạo ra hệ sinh thái, kết nối các cơ quan quản lý, trường học, giáo viên với phụ huynh, học sinh. Hiện, 100% cơ sở giáo dục toàn tỉnh sử dụng các sản phẩm như: Cơ sở dữ liệu ngành, mạng giáo dục VnEDU, Cổng thông tin, sổ liên lạc, thời khóa biểu điện tử...

 

ha giang 3.jpg
Giám đốc VNPT Hà Giang Nguyễn Văn Bắc kiểm tra phòng máy trung tâm.


Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai Chương trình Viễn thông công ích, VNPT Hà Giang đã và đang hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các trường học, bệnh viện, UBND xã khi sử dụng dịch vụ viễn thông.

Đồng thời, nâng cấp hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh cung cấp, mở rộng, bổ sung hạ tầng mạng lưới mạng di động, băng rộng cố định và dịch vụ truyền hình đến vùng sâu, xa.

Hiện, đơn vị có hơn 1.000 trạm phát sóng 3G, 4G, cáp quang internet phủ 65% gia đình; đặc biệt, kịp thời phủ sóng 22 thôn, bản “trắng” sóng. 100% trung tâm xã có hạ tầng cáp quang, kéo bổ sung 500 km cáp quang cho các tuyến trục và mở rộng đến các thôn…

Qua đó, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân vùng sâu, xa, hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc với chi phí hợp lý, tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc VNPT Hà Giang cho biết: Với phương châm “Lan truyền cảm xúc yêu thương”, cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh, VNPT Hà Giang luôn quan tâm, coi trọng các hoạt động an sinh xã hội, sẻ chia với cộng đồng.

Hằng năm, đơn vị nhận đỡ đầu các xã, trường học khó khăn; tham gia chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội, giúp đỡ xây mới, sửa chữa nhà cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, thường xuyên triển khai các hoạt động tri ân nhân ngày Thương binh, liệt sỹ; hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo, không nơi nương tựa; ủng hộ Quỹ vì người nghèo, tặng học bổng cho học sinh… Tổng kinh phí an sinh xã hội khoảng 500 triệu đồng/năm.

Với quyết tâm, nỗ lực phát triển không ngừng, thời gian tới, VNPT Hà Giang tiếp tục tiên phong triển khai các công nghệ, dịch vụ mới, cung cấp các giải pháp hiệu quả cho khách hàng.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu CĐS đồng bộ, toàn diện, bao trùm các lĩnh vực, các mặt của đời sống và KT – XH. Từng bước trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT có chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhất và là nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Hà Giang.

 Theo P.Hoan- Văn Nghị (Báo Hà Giang)